Nhờ áp dụng công nghệ trợ lý ảo, ngành công nghiệp ô tô đang có những bước nhảy vọt đột phá, mang đến những trải nghiệm phong phú và ưu việt hơn cho người dùng. Đây cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa tận dụng lợi thế, tăng trưởng doanh thu.
Các hãng xe và công ty công nghệ lớn trên thế giới đang không ngừng đầu tư và phát triển các hệ thống trợ lý ảo trên ô tô. Trợ lý ảo không chỉ giúp người lái điều khiển xe một cách dễ dàng hơn mà còn cung cấp các thông tin hữu ích, hỗ trợ giải trí và thậm chí là an toàn giao thông.
“Đón sóng” xu hướng toàn cầu
Các thương hiệu như Tesla, BMW, và Mercedes-Benz đã tích hợp trợ lý ảo vào các dòng xe của mình. Chẳng hạn, Tesla với hệ thống Autopilot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ lái xe tự động, trong khi BMW và Mercedes-Benz phát triển các trợ lý ảo thông minh giúp người lái kiểm soát các chức năng trong xe qua giọng nói. Google và Apple cũng không đứng ngoài cuộc đua này, với Google Assistant và Apple CarPlay đang dần trở thành tiêu chuẩn trong các dòng xe hiện đại.
Tuy nhiên, rào cản về ngôn ngữ và sự thấu hiểu người dùng bản địa lại chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, một số trợ lý ảo "made in Vietnam" đã được giới thiệu và bước đầu thành công.
Trợ lý ảo không chỉ giúp người lái điều khiển xe một cách dễ dàng hơn mà còn cung cấp các thông tin hữu ích, hỗ trợ giải trí và thậm chí là an toàn giao thông.
Tháng 12/2020, trợ lý ảo Kiki do ZaloAI phát triển được giới thiệu, giúp người dùng ô tô thực hiện tác vụ thông qua việc điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt, với thế mạnh là khả năng xử lý tiếng Việt, nghe hiểu tốt giọng nói địa phương, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa. Tính đến hết năm 2022, Kiki đạt tổng cộng 300.000 lượt cài đặt sử dụng, với hơn 150.000 lượt truy vấn/ngày.
Tháng 5/2023, Gotech ra mắt trợ lý ảo GotechGPT kết hợp giữa trợ lý Gotech Assistant và công nghệ AI của ChatGPT, được trang bị sẵn trên các loại màn hình ô tô của hãng. Ưu điểm nổi bật của GotechGPT là khả năng tương tác, trò chuyện qua lại hai chiều với tài xế như con người.
Với các hãng xe tại Việt Nam, VinFast hiện là cái tên duy nhất có trợ lý ảo tiếng Việt dành riêng cho các dòng ô tô của hãng với tên gọi ViVi. Thậm chí, mẫu VinFast VF 8 Lux ra mắt ngày 15/7 vừa qua cũng là mẫu ô tô thương mại đầu tiên trên thế giới có trợ lý ảo tích hợp công nghệ AI tạo sinh (Generative AI).
So với phiên bản 1.0 ra mắt năm 2021, trợ lý ảo ViVi 2.0 tương tác tự nhiên và liền mạch hơn, có kho tri thức đa dạng và tính cá nhân hóa tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Kim Anh – Giám đốc sản phẩm VinBigdata (Tập đoàn Vingroup): “Trợ lý ảo VinFast (phát triển từ Trợ lý ảo ViVi) là sản phẩm mũi nhọn của VinBigdata, việc bổ sung công nghệ AI tạo sinh vào sản phẩm nhằm đưa việc tương tác giữa khách hàng và trợ lý ảo trở nên tự nhiên, thông minh hơn. Công nghệ này cũng có thể dễ dàng tích hợp vào các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Vingroup nói riêng và các công ty, tập đoàn bên ngoài nói chung”.
Để đi được đường dài?
Dù các hãng xe lớn trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để tham gia vào cuộc đua phát triển trợ lý ảo trên ô tô.
Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và am hiểu về công nghệ. Nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước như VinFast, FPT Software và VNG đã bắt đầu đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến trí tuệ nhân tạo và công nghệ xe hơi. Đặc biệt, VinFast đã hợp tác với nhiều công ty công nghệ lớn để phát triển các dòng xe điện và xe tự lái, tạo nền tảng cho việc tích hợp trợ lý ảo trong tương lai.
Hơn nữa, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều dự án và sản phẩm công nghệ cao được ra đời. Chính phủ cũng đang có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước có nền công nghệ phát triển, học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ họ. Các chương trình hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty công nghệ lớn có thể giúp nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực Việt Nam.
Mặc dù có nhiều cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức trong cuộc đua phát triển trợ lý ảo trên ô tô. Những thách thức này bao gồm sự thiếu hụt về hạ tầng công nghệ, nguồn vốn đầu tư, và kinh nghiệm quản lý các dự án công nghệ cao.
"Trợ lý ảo trên ô tô không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn tăng cường an toàn giao thông. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam, cần phát triển hệ thống phù hợp với ngôn ngữ và thói quen sử dụng của người Việt, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và khả năng kết nối ổn định”, GS Bùi Xuân Tùng - Giám đốc chương trình MBA của Đại học Hawaii tại Việt Nam nhận định.
Để phát triển các hệ thống trợ lý ảo, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, bao gồm mạng lưới internet tốc độ cao, hệ thống dữ liệu lớn và các trung tâm nghiên cứu công nghệ hiện đại
Chính phủ cần tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Việc giảm thuế, cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu và phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, phần lớn người dùng ô tô tại Việt Nam chưa tận dụng hết sự tiện lợi từ trợ lý ảo, do đây là công nghệ mới xuất hiện. Số đông vẫn quen với việc tự mình điều chỉnh tính năng trên xe. Nhưng với khả năng hỗ trợ tiếng Việt ngày một tốt hơn, trợ lý ảo hoàn toàn có thể thay đổi thói quen sử dụng ô tô trong tương lai.
Lê Hồng-Link gốc