Đang có thêm nhiều thách thức mới, chứa đựng những bất trắc cho những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào hai thị trường chủ lực tại Bắc Mỹ là Canada và Hoa Kỳ. Nhất là dần mất đi lợi thế thuế quan, giá xuất khẩu kém cạnh tranh, nguy cơ bảo hộ thương mại ngày càng tinh vi hơn, sử dụng các rào cản kỹ thuật và môi trường để làm “nản lòng” chính các nhà nhập khẩu, song song đó là mối lo bị trả lại các lô hàng được cho là vi phạm.
Bàn về việc thúc đẩy thương mại giữa các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam và Canada trong một hội thảo được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 8/8, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), bày tỏ mong muốn các nhà xuất khẩu (XK) của Việt Nam cần cập nhật những tiêu chí, quy định mới nhất về thị trường Canada.
Lợi thế dần mất đi ?
Theo ông Lữ, đây là thời điểm cần đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt kết nối với các nhà mua hàng, nhà nhập khẩu của Canada. Bên cạnh đó, rất cần có những đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy XK vào thị trường quan trọng ở khu vực Bắc Mỹ này, đặc biệt cho ngành nông sản thực phẩm, đồ gỗ - nội thất - gia dụng - thủ công mỹ nghệ…
Các nhà thu mua ở thị trường Bắc Mỹ đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với mặt hàng nông sản Việt.
Dữ liệu mới nhất cho thấy kim ngạch XK của Tp.HCM vào thị trường Canada trong nửa đầu năm 2024 ước đạt 215 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Còn tính chung kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường này trong 6 tháng đầu năm nay đạt 3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, như lưu ý của Thương vụ Việt Nam tại Canada, XK vào Canada trong 3 tháng gần nhất đã liên tiếp ghi nhận giảm.
Thương vụ Việt Nam tại Canada nêu rõ trong thời gian qua, lợi thế thuế quan mà Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho hàng XK Việt Nam đã dần mất đi.
Nguyên do là vì Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…). Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.
Không những vậy, Canada cũng kêu gọi các DN hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh (nearshoring/friendshoring) để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này đang tác động tiêu cực đến XK một số lĩnh vực chế biến chế tạo mà Việt Nam có thế mạnh như: Điện tử, dệt may, nội thất.
“Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá XK của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà XK Nam Mỹ”, phía thương vụ chỉ rõ.
Như lưu ý mới đây của bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Canada, đang có nhiều thách thức mới cho XK vào Canada đối với nhóm hàng chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam. Không chỉ vậy, nguy cơ bảo hộ thương mại ở thị trường này ngày càng tinh vi, sử dụng các biện pháp phòng vệ. Hiện nay Canada đã khởi xướng 19 vụ việc trong các lĩnh vực, mặt hàng khác nhau đối với Việt Nam và đã có tác dụng ngăn chặn XK ngay lập tức đối với các dòng sản phẩm này.
Mặt khác, theo bà Quỳnh, một thách thức mới còn liên quan đến khả năng đáp ứng của hàng Việt với những tiêu chuẩn XK mới của Canada, đặc biệt là tiêu chuẩn sản xuất xanh, tiêu chuẩn bao bì hay là thuế chuyển dịch carbon xuyên biên giới.
“Với các quy định mới liên quan việc ghi nhãn và quy định về các vấn đề về bao bì nhựa, hàm lượng tái chế thì Canada đã và đang sử dụng các rào cản kỹ thuật và môi trường để làm “nản lòng” chính các nhà nhập khẩu. Không những vậy, nước này còn có xu hướng kêu gọi người dân ưu tiên sử dụng hàng Canada với danh nghĩa giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng”, bà Quỳnh chia sẻ.
Chứa đựng những bất trắc
Riêng với thị trường lớn nhất ở Bắc Mỹ là Hoa Kỳ vẫn đang chứa đựng những bất trắc cho hàng Việt. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết song song với tín hiệu tăng trưởng XK từ đầu năm đến nay thì rõ ràng các vụ việc phòng vệ thương mại ở thị trường này cũng tăng rất cao trước áp lực của các ngành sản xuất Hoa Kỳ ngày càng gay gắt.
Theo đó, các DN Hoa Kỳ ngày càng tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh. Tính đến tháng 7/2024, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa XK của Việt Nam, với 11 vụ việc. Và các vụ kiện mới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh ngành sản xuất của Hoa Kỳ đang gặp khó khăn.
Các ngành hàng XK bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại có kim ngạch từ thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao, như: Các sản phẩm thép, thủy sản (tôm, cá tra), máy móc thiết bị, gỗ, đồ nội thất, túi giấy, túi ni lông, nhôm...và gần đây là mặt hàng đĩa giấy.
Ngoài ra, theo ông Hưng, qua trao đổi với các hiệp hội ngành hàng ở Việt Nam, điều mà họ quan tâm là việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh tại thị trường Hoa Kỳ. Mặc dù chưa áp dụng bắt buộc nhưng cũng có thể là tiêu chí để các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ xem xét khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và coi đây là lợi thế cạnh tranh qua những câu chuyện mà nước ta cam kết với tăng trưởng xanh.
“Đặc biệt Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nêu rất chi tiết và cụ thể về việc các nước nhập khẩu cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến đạo luật chống lao động cưỡng bức. Sắp tới nước này cũng soạn thảo những dự luật liên quan đến quy định về việc trả lại hàng cho nước XK hoặc tiêu hủy tại cửa khẩu khi phát hiện vi phạm”, ông Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tính đến tháng 7/2024 các lô hàng của Việt Nam bị kiểm tra và có thể xem xét vi phạm vào khoảng 493 lô hàng. Trong đó có 298 lô hàng là bị từ chối, có 57 lô hàng hiện nay đang xem xét và 138 lô hàng đã bị trả lại. Đây chủ yếu là những lô hàng về dệt may, da giày. Và các lô hàng bị từ chối này có giá trị khoảng 11 triệu USD.
“Khi làm việc với các hiệp hội ngành hàng ở Việt Nam, chúng tôi có đề xuất nếu có thông tin báo cáo cụ thể trường hợp các DN bị từ chối, trả lô hàng thì sớm thông báo với cơ quan thương vụ để làm việc với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ. Và đặc biệt là các DN Việt phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các hồ sơ tài liệu, dẫn chứng, nhất là các hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sản phẩm và các hồ sơ tài chính liên quan, để khi cơ quan điều tra của Hoa Kỳ yêu cầu thì chúng ta sẵn sàng cung cấp”, ông Hưng lưu ý.
Thế Vinh-Link gốc