Trên thị trường chứng khoán, trước đây, tâm lý của nhà đầu tư nội bị ảnh hưởng bởi giao dịch của khối ngoại. Nhưng nay, "gió có vẻ đã đổi chiều" khi nhà đầu tư trong nước vẫn mua vào lượng lớn trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, từ đó giúp cân bằng thị trường.
Thống kê từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn rất mạnh, lên đến 2,4 tỷ USD - mức cao kỷ lục trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Dòng tiền trong nước “cân” được
Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam cho rằng, điều này có thể đến từ cả yếu tố nội và yếu tố ngoại. Thế giới không thiếu thách thức, thậm chí nỗi lo, mối đe dọa như các vấn đề địa chính trị ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine… Thông thường, khi các nhà đầu tư nước ngoài sợ, nhận thấy rủi ro, hành động sẽ là bán và đem tiền về nước cho an toàn.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là "bong bóng tài chính". Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển 10 năm gần đây không ngừng in tiền, dẫn đến nợ công, nợ tư, lạm phát, đặc biệt là chi phí sống tăng cao. Trên góc độ nhà phân tích, điều này là không hiểu nổi và gây ra những sự bất ngờ. Điển hình như việc đồng Yên và TTCK Nhật Bản thay đổi rất nhanh trong thời gian ngắn vừa qua. Những yếu tố này làm cho chiến lược đầu tư của các quỹ lớn trên thế giới phải điều chỉnh.
Nhà đầu tư trong nước vẫn mua vào lượng lớn trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, giúp cân bằng thị trường.
Các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Hai năm gần đây, Dragon Capital phân tích 80 công ty lớn chiếm khoảng trên 80% giá trị vốn hoá thị trường, nhận thấy không có sự tăng trưởng lợi nhuận. Một thị trường không tăng trưởng lợi nhuận trong 2 năm (2022-2023), nhà đầu tư sẽ bỏ đi. Đó là một yếu tố rất lớn trong tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài gần đây.
Dù vậy, một điểm tích cực là tuy nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục nhưng dòng tiền trong nước vẫn "back up" được, và thị trường cũng không sụt giảm mạnh, phần nào cho thấy được mức độ trưởng thành của TTCK Việt Nam nói chung và những nhà đầu tư cá nhân trong nước nói riêng.
“Dòng tiền nhà đầu tư trong nước đang hấp thu và cân bằng lực bán của khối ngoại”, theo Dragon Capital.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VNDIRECT cho biết giai đoạn khủng hoảng tiền tệ năm 2008, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán rất nhiều và khi đó lại là cơ hội của các nhà đầu tư trong nước.
“Thị trường vẫn rất thú vị, lượng tiền chờ đầu tư tại các công ty chứng khoán còn rất lớn”, bà Hương nhận xét.
Thực tế, theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 95.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng tăng mạnh. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản trong tháng 8/2024, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm.
Vẫn mong khối ngoại trở lại mua ròng trong những tháng cuối năm
Có thể thấy, khối ngoại là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến TTCK Việt Nam. Sự mua bán của khối ngoại có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, thanh khoản thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Với giá cổ phiếu, khối ngoại thường là những nhà đầu tư có kinh nghiệm và nguồn vốn lớn. Do đó, sự mua bán của họ có thể tác động đến giá cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Khi khối ngoại mua ròng, giá cổ phiếu có xu hướng tăng và ngược lại.
Về thanh khoản thị trường, khối ngoại cũng là một trong những nguồn cung cấp vốn chính cho TTCK Việt Nam. Sự tham gia của khối ngoại giúp tăng thanh khoản thị trường, giúp nhà đầu tư có thể mua bán cổ phiếu dễ dàng hơn.
Và khi khối ngoại mua ròng, nhà đầu tư thường có tâm lý lạc quan và kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng giá. Ngược lại, khi khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư thường có tâm lý bi quan và lo thị trường sẽ giảm giá.
Tuy nhiên, đến nay, gió có vẻ đã đổi chiều khi tâm lý của nhà đầu tư trong nước không còn bị quá ảnh hưởng bởi giao dịch khối ngoại. Bất chấp đà bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, nhà đầu tư nội vẫn mua vào, giúp cân bằng thị trường.
Dù vậy, dưới góc độ khác, theo các chuyên gia, việc bán ròng liên tục của khối ngoại vẫn tạo áp lực lớn lên TTCK Việt Nam, mặc dù xu hướng bán ròng của khối này đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở các quỹ ETF. Và thị trường vẫn kỳ vọng khối ngoại sẽ quay trở lại thực sự để ổn định dòng vốn vào TTCK.
Đánh giá về triển vọng trong 3 tháng của quý IV/2024, ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng phòng Cao cấp tại Trung tâm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất và đồng USD suy yếu, dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường tiềm năng như châu Á và các quốc gia cận biên, trong đó có Việt Nam.
Thông thường, khi chu kỳ giảm lãi suất bắt đầu, dòng vốn ngoại sẽ đổ vào các thị trường mới nổi, tạo đà tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á. Dù gần đây khối ngoại tiếp tục bán ròng tại Việt Nam, nhưng quy mô đã giảm đáng kể so với những tháng trước.
Đồng quan điểm, ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc Khách hàng Cao cấp tại Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh của Chứng khoán DNSE cho rằng các thị trường mới nổi và cận biên đang kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách của Fed, có thể xảy ra ngay trong tháng 9. Dòng vốn ETF đã bắt đầu chảy vào thị trường Đông Nam Á và lượng bán ròng của khối ngoại đang giảm mạnh. Điều này mở ra kỳ vọng áp lực bán sẽ tiếp tục hạ nhiệt, nhường chỗ cho giai đoạn tích cực hơn với sự quay lại của dòng vốn mua ròng.
“Với nền tảng vững chắc, như tăng trưởng lợi nhuận ổn định và định giá hấp dẫn, TTCK Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn lớn. Kỳ vọng nâng hạng thị trường càng tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, dòng vốn ngoại sẽ sớm trở lại mua ròng và tạo động lực cho thị trường”, ông Nghiệp nhấn mạnh.
Hải Giang-Link gốc