Sau khi leo lên mức kỷ lục ngày 19/9, các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên cuối tuần (ngày 20/9) với mức điểm gần như giữ nguyên.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Động thái mua sắm mạnh mẽ của các nhà đầu tư có dấu hiệu “tạm nghỉ”. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng thể thao Nike tiếp tục tăng mạnh, giúp đưa chỉ số công nghiệp Dow Jones lên mức đỉnh mới, xô đổ kỷ lục thiết lập vào phiên giao dịch trước.
Khép lại phiên này, Dow Jones tăng 38,17 điểm, tương đương 0,09%, lên 42.063,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 11,09 điểm, hay 0,19%, xuống còn 5.702,55 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 65,66 điểm, tương đương 0,36%, còn 17.948,32 điểm.
Vào hôm thứ Hai (16/9), thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một phiên giao dịch khởi sắc, với chỉ số S&P 500 tiến gần tới mức kỷ lục và chỉ số Dow Jones chốt phiên ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Điều này có được là nhờ tâm lý tích cực của các nhà đầu tư với triển vọng lãi suất hạ và mối lo về sản lượng dầu của Mỹ sau bão Francine đưa giá dầu thô tăng mạnh.
Trong các ngày 17,18/9, ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall biến động nhẹ, tăng/giảm trong phạm vi hẹp. Cho đến ngày 20/9, phản ứng với thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, chứng khoán Phố Wall đã chính thức lập kỷ lục mới. Đáng chú nhất, trong phiên này là chỉ số công nghiệp Dow Jones đã ghi dấu lần đầu tiên đóng cửa vượt mốc 42.000 điểm. Hai chỉ số còn lại là S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đều đóng cửa ở mức kỷ lục.
Tính chung trong cả tuần này (16-20/9), thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức tăng hàng tuần trên 1%, với các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 1,62%, 1,36% và 1,49%.
Chỉ số S&P 500 đã tăng tổng cộng 0,8% trong ba tuần qua, đi ngược lại với truyền thống tháng 9 là tháng tăng trưởng yếu nhất do tính dễ bị tổn thương trước các biến động thị trường. Tuy nhiên, các chiến lược gia nhận định, khó khăn vẫn còn phía trước và có thể kéo dài đến cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty chứng khoán Edward Jones, Angelo Kourkafas, cho biết thị trường đang bước vào giai đoạn ít thuận lợi hơn, tính theo chu kỳ hàng năm. Bất chấp sự phấn khích của các nhà đầu tư về sự khởi đầu của chu kỳ cắt giảm lãi suất mới, con đường phía trước vẫn có thể gập ghềnh.
Theo phân tích dữ liệu của Ned Davis Research kể từ năm 1950, nửa cuối tháng 9 thường là giai đoạn yếu nhất trong năm đối với chỉ số S&P 500.
Biến động của thị trường chứng khoán cũng có xu hướng tăng vào tháng 10 trong những năm bầu cử. Chuyên gia của Edward Jones chia sẻ, chỉ số VIX (chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán) đã tăng lên mức trung bình là 25 điểm vào đầu tháng này, trái ngược với mức trung bình dài hạn là 19,2 điểm dựa trên thống kê 8 năm bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất.
Thị trường có thể trở nên đặc biệt nhạy cảm với cuộc bầu cử năm nay, khi cuộc đua giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris gần như "ngang tài, ngang sức".
Ngày 18/9, Fed đã công bố hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất, chính thức chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ kéo dài hơn hai năm qua. Thị trường hiện kỳ vọng cơ quan này sẽ tiếp tục có hành động nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong những tháng tiếp theo. Khảo sát thị trường từ công cụ FedWatch của CME cho thấy tại cuộc họp trong tháng 11 tới, có 51,1% khả năng Fed sẽ hạ 0,25 điểm phần trăm lãi suất và 48,9% khả năng hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Đi cùng chiều với thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đều đã có phiên tăng điểm tích cực trong ngày 19/9. Tuy nhiên bước sang ngày 20/9, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn của châu Âu đều giảm điểm, ngoại trừ Tây Ban Nha. Chỉ số chứng khoán toàn châu Âu STOXX 600 giảm tổng cộng 1,4%. Mặc dù vậy chỉ số này vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Diệu Linh (TTXVN)
Link gốc