Theo giới phân tích, nhu cầu thép nội địa có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu có thể chậm lại.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam phục hồi tốt với số dự án đang triển khai tại cả miền Nam và miền Bắc cuối 2024 và năm 2025.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 ghi nhận hơn 3.200 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay lại thị trường, tăng 42% so với năm 2023. Chuyên gia từ PHS cho biết, xây dựng nhà ở dân dụng chiếm 2/3 sản lượng ngành thép, kỳ vọng phục hồi 3% năm 2025.
Cùng đó, các bộ luật mới ban hành bắt đầu thể hiện tác động rõ rệt lên thị trường bất động sản bao gồm: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở kỳ vọng cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản. PHS nhận thấy nguồn cung bất động sản nhà bắt đầu tăng trở lại tại Hà Nội, diện tích xây dựng tại Việt Nam có thể tăng 5% so với cùng kỳ trong 2024 - 2025.
Các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng quyết liệt của Chính phủ thông qua các dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và khu công nghiệp kỳ vọng tác động tích cực lên nhu cầu thép trong nước.
Các dự án lớn được thúc đẩy để đảm bảo chất lương và đạt tiến độ, bao gồm: Xây bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốt độ cao Bắc Nam.
Mục tiêu của Chính phủ đề ra là hoàn thành 3.000 km đường sắt cao tốc năm 2025 và 5.000 km đường sắt cao tốc đến năm 2030. PHS tin rằng quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành thép.
Đặc biệt, PHS đánh giá cao các doanh nghiệp có khả năng mở rộng sản xuất, công nghệ tiên tiến và đủ nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn nhà thầu cho các dự án lớn trong nước như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG). “Tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng lần lượt là 10% và 8% so với cùng kỳ trong 2024 và năm 2025”, PHS nhận định.
Có góc nhìn tương đồng, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nguồn cung bất động sản và đầu tư công tăng trưởng tác động tích cực tới giá và sản lượng trong nước.
Năm 2025, nhu cầu nội địa được hỗ trợ bởi nguồn cung bất động sản và đầu tư công tăng mạnh. Về nguồn cung nhà ở, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh được dự báo tăng 10% và 30% so với cùng kỳ, nhờ các rào cản pháp lý lớn sẽ được giải quyết thông qua việc áp dụng Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản.
Thêm vào đó, một số dự án được đẩy nhanh tiến độ như Đường cao tốc Bắc - Nam và Sân bay Long Thành dẫn đến tổng vốn đầu tư công đạt 790.000 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2024). Như vậy, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2025 có thể đạt 21,8 triệu tấn (tăng 10% so với năm ngoái).
Về giá bán, áp lực từ thép Trung Quốc giảm do nước này cắt giảm nguồn cung và thuế chống bán phá giá sẽ có tác động tích cực đến giá trong nước.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy gang thép Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh
MBS kỳ vọng thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng kể từ quý II/2024 khi thị phần HRC và tôn mạ trong nước bị chi phối bởi sản phẩm nhập khẩu.
MBS cho rằng nhờ chống bán phá giá, chênh lệch giá HRC năm 2025 của Việt Nam và Trung Quốc có thể giảm 25% so với năm 2024 xuống mức 60-70 USD/tấn. Do đó, dự báo giá thép cây và HRC có thể phục hồi 7% và 6% so với năm ngoái.
Điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thép có thể được cải thiện nhờ đầu vào ổn định và giá bán cao hơn.
Sản lượng quặng sắt và than năm 2025 dự báo tăng trưởng lần lượt 3% và 4% so với năm 2024. Nguồn cung đẩy mạnh tại Australia và nhu cầu đầu vào yếu tại Trung Quốc là những động lực chính khiến giá đầu vào chịu áp lực giảm.
Do đó, MBS đánh giá nguyên liệu thô có thể giảm nhẹ trước khi tăng trở lại vào năm 2025, khi ngành thép thế giới phục hồi, tác động tích cực đến chi phí sản xuất.
Giá than dự kiến dự kiến tăng 4% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2025, trong khi giá quặng có thể tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 121 USD/tấn.
Tăng trưởng đầu vào thấp hơn giá bán nên biên lợi nhuận gộp trung bình của các doanh nghiệp thép dự báo tăng so với cùng kỳ.
MBS cho rằng Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) và Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) sẽ có thêm động lực tăng trưởng nhờ nhờ giai đoạn phục hồi của chu kỳ. Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này sẽ tăng nhờ giá bán tăng cao hơn giá đầu vào.
Nhà máy sản xuất thép tại Hải Dương của Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Trong khi nhu cầu nội địa tăng mạnh, xuất khẩu thép của dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Kim ngạch xuất khẩu thép Trung Quốc sang châu Á tăng trưởng mạnh mẽ, đặt biệt tại thị trường Đông Nam Á - đây là thị trường xuất khẩu chủ lực của thép Việt Nam. Giá thép xây dựng Trung Quốc thấp hơn Việt Nam tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giá thép chưa thể tăng cao do chịu nhiều áp lực khi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Năm 2025 vẫn là một năm khó khăn của thị trường bất động sản Trung Quốc khi lượng nhà tồn kho ở mức cao và áp lực thanh khoản với các nhà phát triển sẽ là giảm nhu cầu xây mới, Chứng khoán PHS nhận định.
Ngoài ra, tâm lý thận trọng của người dân và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao sẽ làm giảm nhu cầu mua nhà. Trang phân tích ngành thép Trung Quốc Mysteel ước tính tổng diện tích các dự án bất động sản mới khởi công tại Trung Quốc có thể giảm 7-10% so với cùng kỳ và tiêu thụ thép có thể đi ngang trong 2025. Nhu cầu thu hẹp tại Trung Quốc trong 2025 sẽ gây áp lực lên giá thép thế giới; trong đó có Việt Nam.
Văn Giáp-Link gốc