Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn mua vùng lãnh thổ này từ Đan Mạch, trong khi chủ sở hữu tuyên bố không bán. Nhưng nếu một cuộc đàm phán diễn ra, Mỹ sẽ hoặc nên đưa ra đề nghị như thế nào?
Máy bay chở ông Donald Trump Jr., con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tới thăm Nuuk, thủ phủ đảo Greenland thuộc Đan Mạch, ngày 7/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người từ lâu đã yêu thích các thỏa thuận bất động sản lớn, đã nói rõ rằng ông nghiêm túc về việc đạt được một thỏa thuận về Greenland, bất chấp việc Đan Mạch, quốc gia kiểm soát hòn đảo, tuyên bố vùng lãnh thổ này không phải để bán.
Nhưng nếu một cuộc đàm phán diễn ra, Mỹ sẽ đưa ra đề nghị gì hoặc nên đưa ra đề nghị gì?
David Barker, một nhà phát triển bất động sản và là cựu chuyên gia kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York, đã chia sẻ về kịch bản đó. Ông Barker từng gây chấn động vào năm 2009 khi ông lập luận rằng việc Mỹ mua Alaska vào năm 1867 với giá chưa đến 2 xu một mẫu Anh là một thỏa thuận tồi xét về góc độ đầu tư tài chính thuần túy. Sau đây là phép tính của ông về giá trị của Greenland, nơi được ông ước tính có thể có giá trị từ 12,5 - 77 tỷ USD.
Alaska có thể không phải là phép so sánh tốt nhất. Tổng thống đắc cử Trump đã nói rằng ông muốn mua Greenland vì lý do quốc phòng, trong khi đó không phải là trường hợp được xác định rõ ràng đối với việc mua Alaska. (Tính theo giá trị năm 2025, thỏa thuận mua Alaska chỉ có giá trị hơn 150 triệu USD)
Thay vào đó, có thể xem xét Quần đảo Virgin. Mỹ đã mua quần đảo được gọi là Tây Ấn Đan Mạch từ Đan Mạch vào năm 1917 với giá 25 triệu USD (khoảng 657 triệu USD ngày nay) do lo ngại về quốc phòng. Greenland rõ ràng lớn hơn nhiều, nhưng trong cả hai trường hợp, giá trị phòng thủ dựa trên vị trí chứ không phải kích thước.
Chuyên gia Barker đề xuất sử dụng giá mua Quần đảo Virgin và Alaska làm điểm khởi đầu nhưng điều chỉnh chúng dựa trên sự thay đổi danh nghĩa trong tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ hoặc Đan Mạch để tính đến cả lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Ông cho biết: "Một nền kinh tế lớn hơn có thể đủ khả năng trả nhiều hơn và một nền kinh tế lớn hơn có thể sẽ yêu cầu mức giá cao hơn".
Ở mức định giá thấp, ông đã điều chỉnh giá mua Quần đảo Virgin theo mức tăng trưởng gấp 500 lần của GDP của Đan Mạch kể từ năm 1917. Điều đó ngụ ý mức giá của Greenland là 12,5 tỷ USD.
Trong khi đó, ở mức định giá cao, điều chỉnh chi phí 7,2 triệu USD cho việc mua Alaska theo mức tăng trưởng GDP của Mỹ đã tạo ra giá mua Greenland là 77 tỷ USD.
Không có sự so sánh nào là hoàn hảo. Việc mua Quần đảo Virgin diễn ra gần đây hơn, trong khi Alaska có khí hậu và kích thước tương tự Greenland.
“Cảm giác của nhiều người Mỹ vào thời điểm diễn ra vụ mua Alaska là Mỹ đã trả quá nhiều tiền, trong khi điều này không đúng với thương vụ mua lại Quần đảo Tây Ấn của Đan Mạch”, ông Barker cho biết.
Cách tiếp cận này sẽ kém hợp lý hơn nếu quốc phòng không phải là mục tiêu chính. Mỹ từ lâu đã có sự hiện diện quân sự tại Greenland và Đan Mạch là đồng minh của NATO - ông Nikola Swann, người đứng đầu bộ phận chính phủ và đa phương toàn cầu tại SwissThink, một công ty tư vấn thị trường tín dụng, lưu ý.
Theo đánh giá của ông Swann, việc tiếp cận các kho khoáng sản của Greenland như đồng và lithium, vốn hữu ích cho công nghệ quan trọng như pin và xe điện, có thể quan trọng hơn đối với Mỹ.
Greenland là một lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Ảnh: Reuters/TTXVN
Nhưng chuyên gia Barker cho rằng, việc định giá dựa trên các nguồn tài nguyên của Greenland có thể khó khăn hơn. Theo ông, “nếu Greenland thực sự giúp chúng ta bảo vệ Mỹ, thì giá trị của nó sẽ tăng theo quy mô nền kinh tế Mỹ”, còn “nếu giá trị duy nhất của Greenland là khoáng sản, thì quy mô nền kinh tế Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả”.
Tờ Financial Times cho rằng nguồn tài nguyên của Greenland hợp lý với mức định giá 1,1 nghìn tỷ USD, nhưng chuyên gia Barker cho biết ước tính “hóm hỉnh” này đưa ra một giả định đáng ngờ. Ông nói: "Chính phủ Mỹ sẽ không nhận được toàn bộ lợi ích từ việc khai thác tài nguyên. Chính phủ sẽ bán quyền khoan và khai thác cho các công ty bỏ thầu vì lợi nhuận của riêng họ".
Ngoài ra, chúng ta cũng không quên những điểm “đòn bẩy” khác. Tuần trước, Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết ông không thể loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự hoặc thuế quan nếu Đan Mạch không bán Greenland. Nền kinh tế Đan Mạch đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhờ xuất khẩu các thương hiệu dược phẩm như Wegovy và Ozempic của Novo Nordisk, phần lớn là xuất sang Mỹ.
"Những mặt hàng này rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế gần đây của Đan Mạch", ông Swann cho biết, chúng mang lại cho ông Trump một lợi thế.
Có một điều mà mọi người dường như đều đồng ý. Mua Greenland "sẽ là thỏa thuận của thế kỷ", chuyên gia Barker nói.
Hiệp ước mua Alaska được Tổng thống Mỹ khi đó là Andrew Johnson ký ngày 28/5/1867. Mỹ trả cho Nga 7,2 triệu USD để có được vùng lãnh thổ băng giá này. Thỏa thuận đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó những người phản đối cho rằng Mỹ bị hớ trong thương vụ này. Trong khi đó, ở Nga, người ta thực sự coi thương vụ bán Alaska rất hời, vì trong trường hợp người Mỹ mặc cả, giá bán Alaska có thể chỉ là 5 triệu USD.
Vào đầu thế kỷ 19, năm 1803, Mỹ cũng đã mua lại Louisiana (khu vực rộng lớn ở phía Tây Mississippi) từ Pháp với số tiền cao hơn tính theo đơn vị diện tích, nhưng Louisiana có khí hậu tốt hơn và thích hợp cho phát triển nông nghiệp, trong đó có thành phố New Orleans.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Link gốc