Interfood - chủ thương hiệu Wonderfarm giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng với chi phí mua hàng từ nhà cung cấp đã làm gia tăng thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp.
Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế (Interfood, UPCoM: IFS), chủ sở hữu thương hiệu Wonderfarm, vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và lũy kế năm 2024, trong đó bức tranh kinh doanh có nhiều điểm sáng về doanh thu, nhưng áp lực về chi phí đang đè nặng lên lợi nhuận lại đang đè nặng. Dù doanh thu tăng trưởng nhẹ, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm mạnh do giá vốn tăng cao và các chi phí khác gia tăng.
Quý IV năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 536 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của IFS đến từ mảng nước giải khát, theo sau là mảng thực phẩm đóng hộp. Các sản phẩm chủ lực mà IFS đang cung cấp trên thị trường là Trà bí đao Wonderfarm và các dòng nước giải khát dưới thương hiệu Wonderfarm. Với thương hiệu Kirin, IFS đang nắm trong tay sản phẩm nước giải khát ICE+.
Trong khi doanh thu tăng nhẹ 2%, lợi nhuận sau thuế quý IV chỉ đạt 25 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận là sự gia tăng đáng kể của giá vốn hàng bán. Trong quý IV/2024, giá vốn chiếm tới 70% doanh thu thuần, tăng mạnh so với mức 64% cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng với chi phí mua hàng từ nhà cung cấp đã làm gia tăng thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 3%, đạt gần 6,5 tỷ đồng do ảnh hưởng của việc giảm lãi suất tiền gửi so với mặt bằng lãi suất cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế cả năm, doanh thu thuần của IFS đạt 1.973 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 173 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2023. Áp lực chi phí được thể hiện rõ ràng hơn ở kết quả cả năm, khi toàn bộ chi phí từ đầu vào, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp,… đều có xu hướng tăng.
Biên lợi nhuận sau thuế năm 2024 thu hẹp còn 9%, so với mức 11% của cùng kỳ, cho thấy hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực chi phí.
Năm 2024, IFS lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với mức kỷ lục năm trước là 1.868 tỷ đồng. Dù vậy, kế hoạch lợi nhuận vẫn được ban lãnh đạo cân nhắc khá thận trọng khi giảm mục tiêu lợi nhuận sau thuế 8%, xuống 192 tỷ đồng. Kết quả, IFS hoàn thành 99% mục tiêu về doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận.
Tính tới cuối năm 2024, tổng tài sản của IFS đạt hơn 1.476 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm 66% là các khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng. Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của IFS đều ghi nhận ở mức thấp, lần lượt đạt 48 tỷ đồng và 929 triệu đồng. Hàng tồn kho hiện đạt giá trị 302,6 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng 976 triệu đồng.
Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của IFS đạt gần 257 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm, tăng 22% so với đầu năm chủ yếu tới từ các khoản phải trả người bán ngắn hạn. Công ty hiện không ghi nhận nợ vay tài chính.
Link gốc