Căng thẳng xung đột địa chính trị, bất ổn logistics, thị trường nhập khẩu thay đổi chính sách thuế quan và dựng lên hàng rào kỹ thuật, tác động của thương chiến…là những biến số “vừa cũ vừa mới” mà hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt trong năm nay. Việc lường trước rủi ro, chủ động các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực là rất cần thiết để “quỹ đạo” xuất khẩu không chệch hướng.
Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu (XK) rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết bản thân công ty phải luôn luôn theo dõi thị trường nhập khẩu và có sự bám sát để đáp ứng những yêu cầu mà thị trường đó đặt ra, đặc biệt là vấn đề hàng rào kỹ thuật.
Biến số “vừa cũ vừa mới”
Trao đổi với VnBusiness, ông Tùng lưu ý hiện nay ở mỗi thị trường đều dựng lên một hàng rào kỹ thuật rất khác nhau đối với mặt hàng rau quả. Đơn cử như ở Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng, yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp.
Các DN xuất khẩu vẫn lo ngại căng thẳng xung đột địa chính trị trên toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến vận tải biển trong năm nay.
Ngoài ra, theo ông Tùng, bối cảnh biến động chính trị trên thế giới hiện khó lường khiến cho các DN xuất khẩu vẫn còn lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến vận tải biển trong năm nay. Điều đó có thể thấy rõ như hồi năm 2024 với xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và căng thẳng ở Biển Đỏ đã ngăn cản luồng vận chuyển logistics.
“Việc này khiến cho vận chuyển đường biển đi vào các nước EU hay Bờ Đông của nước Mỹ rất khó khăn, thời gian tăng cao, thiệt hại hàng hóa rất lớn. Nếu các cuộc xung đột được vãn hồi, tình hình ở Biển Đỏ có ổn định, chuyển biến logistics có tốt hơn thì chúng ta mới có thể tận dụng thời cơ để gia tăng kim ngạch XK”, ông Tùng bộc bạch.
Hoặc khi nhìn vào viễn cảnh XK cá tra vào thị trường EU trong năm 2025, theo chuyên viên phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), khối thị trường EU tập trung nhiều quốc gia là khách hàng quan trọng của cá tra Việt Nam khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng của các cuộc xung đột làm cản trở tăng trưởng thương mại.
Tuy vậy, chuyên viên của Vasep cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận hay đưa ra những dự báo chính xác về nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng tại khối thị trường EU, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả lý do khách quan trên đây và những tác động chủ quan từ giá.
Cần để ý, EU là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy EU đang giảm dần việc NK cá tra từ Việt Nam. Đơn cử như mặt hàng phile cá tra đông lạnh XK sang khối EU năm 2015 đạt hơn 285 triệu USD, nhưng đến năm 2024, giá trị này chỉ còn hơn 165 triệu USD.
Hay như XK dệt may, các DN của Việt Nam đang lo ngại trong năm nay sẽ có khả năng bị ép giá đơn hàng hơn trước bởi mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng cao. Hiện tại, các sản phẩm dệt may của Việt Nam XK sang Mỹ phần lớn có mã HS là 61091000 với mức thuế quan là 16,5%. Đối với các sản phẩm còn lại mức thuế nhập khẩu vào Mỹ dao động trong khoảng từ 5% đến 32%.
Mặc dù vậy, trong trường hợp mức thuế quan tăng lên 20% như phát ngôn trước đó của tân tổng thống Donald Trump, các DN dệt may sẽ không bị ép đơn giá quá nhiều bởi mức thuế quan đã tương đối cao tại thời điểm hiện tại. Cần nhắc lại, đơn giá trung bình XK hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam hồi năm 2024 đạt 3,6 USD/m2 (số liệu 11 tháng đầu của năm), cao thứ nhì trong nhóm 5 nước có giá trị XK hàng dệt may vào Mỹ chỉ kém Indonesia 16,6%.
Chủ động biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực
Nhận định mới đây về hoạt động XK trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 1/2025, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS lưu ý tăng trưởng XK của Việt Nam trong năm 2025 phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề căng thẳng và xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo MBS, những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump có thể khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động XK của Việt Nam trong việc XK các sản phẩm có nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc sang Mỹ. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, sẽ kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch XK lớn như dệt may, gỗ, điện tử.
Thực ra, chính sách kinh tế của ông Donald Trump không dễ để đoán định. Như hôm 21/1, ngay sau khi nhậm chức, ông lên kế hoạch đánh thuế 10% hàng nhập khẩu Trung Quốc (có thể áp dụng vào tháng sau) chứ không phải là 60% như tuyên bố lúc tranh cử. Trong khi đó, ông lại dự kiến áp thuế với EU.
Ts. Hà Thị Cẩm Vân, chuyên gia kinh tế, bày tỏ rằng nếu các đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump được áp dụng toàn diện, có thể gây ra những tác động sâu rộng lên kinh tế Việt Nam thông qua cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, chuỗi cung ứng. Với việc Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, các ngành XK chủ lực như điện tử, dệt may và da giày sẽ chịu áp lực lớn từ chính sách tăng thuế.
Theo bà Vân, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khi nhiều nhà sản xuất toàn cầu chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này đã giúp Việt Nam đạt được thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
Tuy nhiên, thành công này cũng đặt Việt Nam vào vị trí dễ bị tổn thương, khi Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Với thặng dư thương mại lên tới 104,6 tỷ USD với Mỹ trong năm 2024 (tăng 25,6% so với năm 2023), Việt Nam đang trở thành mục tiêu tiềm năng trong chính sách thuế của chính quyền Trump.
“Ngoài ra, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế suất lên đến 20% trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Thuế suất cao làm tăng giá bán hàng hóa từ Việt Nam, giảm sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ và khả năng duy trì thị phần. Kết quả là kim ngạch XK giảm, có nguy cơ dẫn đến thâm hụt hoặc suy giảm thặng dư cán cân thương mại”, Ts. Hà Thị Cẩm Vân chỉ rõ mối nguy.
Trước những biến số “vừa cũ vừa mới” với khả năng đối mặt như kể trên, để “quỹ đạo” XK không chệch hướng, có thể đạt được kỳ vọng tăng trưởng 9% - 10% trong năm 2025, đang cần các DN Việt theo dõi sát sao diễn biến thị trường, lường trước những rủi ro biến động địa chính trị trên thế giới hay các căng thẳng thương mại, thay đổi chính sách thuế quan ở quốc gia nhập khẩu. Để từ đó linh hoạt sách lược ứng phó, chủ động có các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.
Thế Vinh-Link gốc