Trong 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có tới 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong quý I/2025.
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán KIS, tỷ lệ CASA của toàn ngành ngân hàng giảm từ 22,2% trong quý IV/2024 xuống còn 20,7% trong quý I/2025. Trong đó, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận CASA giảm.
Còn theo thống kê tại Wichart, tính đến hết ngày 31/3/2025, MB đang là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA. Tuy nhiên, so với cuối năm 2024, tỷ lệ CASA của MB đã giảm đáng kể, từ 39,05% cuối năm 2024 xuống còn 35,67% tính đến hết quý I/2025.
Ở vị trí thứ hai là Techcombank với tỷ lệ CASA đạt 35,06%, giảm từ mức 37,35% của cuối năm 2024. Theo sau là 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA trên 20%, lần lượt là Vietcombank với tỷ lệ 32,26%, MSB với 23,98%, VietinBank với 23,92%, ACB với 21,98% và TPBank với 20,27%.
.png)
Trong 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có tới 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong quý I/2025. Trong khi các ngân hàng top đầu về CASA đều giảm thì một vài ngân hàng lại “ngược dòng” tăng, như OCB (tăng lên 15,61%), VIB (tăng thêm 15,09%), Eximbank (tăng lên 14,99%), VietABank (tăng lên 4,34%), VBB (tăng lên 5,4%), KienLong Bank (tăng lên 6,72%). Tuy nhiên, mức tăng CASA của các ngân hàng này không đáng kể.
CASA (Current Account Savings Account) – tức tiền gửi không kỳ hạn – tại các ngân hàng thường có xu hướng giảm trong quý I hàng năm, và đây được xem là một hiện tượng mang tính mùa vụ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu rút tiền mặt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ chi tiêu cá nhân, thanh toán lương thưởng và các khoản chi cuối năm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác hoặc tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất hấp dẫn hơn vào thời điểm cuối năm.
Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng mang tính mùa vụ ấy là một bài toán lớn mà các ngân hàng buộc phải đối mặt: khi tỷ lệ CASA suy giảm, nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn cũng thu hẹp, khiến các nhà băng phải xoay sang huy động vốn từ tiền gửi có kỳ hạn hoặc đi vay với lãi suất cao hơn. Điều này kéo theo chi phí vốn tăng vọt – một sức ép trực diện lên biên lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của ngân hàng.
Theo VPBankS, trong những năm tới, CASA sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát chi phí vốn huy động (COF) của các ngân hàng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là các nhà băng phải cải thiện trải nghiệm và dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân – đặc biệt là nhóm khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán chính – để duy trì sự gắn bó lâu dài. Để làm được điều đó, đầu tư vào công nghệ, số hóa quy trình và phát triển các nền tảng giao dịch tiện ích sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu.
Những ngân hàng có lợi thế về độ phủ mạng lưới, tốc độ số hóa nhanh và biết cách khai thác hiệu quả hệ sinh thái – như Vietcombank, MB, Techcombank, MSB hay VietinBank – đang ghi nhận lượng lớn khách hàng cá nhân giao dịch thường xuyên. Nhờ đó, các ngân hàng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được nguồn vốn huy động ổn định và chi phí vốn ở mức thấp, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong bối cảnh CASA ngày càng trở thành yếu tố phân định thắng thua trong cuộc đua huy động vốn.
Khánh Tú-Link gốc