Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội đưa ra nhiều sửa đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, hôm nay (15/5), Quốc hội tiến hành thảo luận Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và một số nội dung khác.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận.
Hợp tác, thuê nước ngoài xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Tham gia ý kiến về Dự thảo Luật năng lượng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, về xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Điều 13) của luật này. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi thành lập các cơ sở hoạt động, chế biến chất phóng xạ, xây lò phản ứng hạt nhân.
“Tư nhân xây dựng lò phản ứng hạt nhân, cơ sở năng lượng nguyên tử được không. Vì vậy, cần làm rõ lĩnh vực nào, cái nào là nhà nước làm, cái nào tư nhân làm. Không phải lĩnh vực nào cũng xã hội hóa được.
Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh cho cơ sở hạt nhân phải chặt chẽ, từ thiết kế xây dựng, phải có thẩm định. Việt Nam có đủ khả năng làm hay không. Nếu không có thì phải có sự hợp tác của nước ngoài để thiết kế, xây dựng các công trình này cho an toàn”, đại biểu nêu ý kiến.
“Vì đây là xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, nó rất quan trọng cũng rất là độc hại. Nếu sai sót thì sẽ dẫn đến tác hại rất lớn mà chúng ta không thể lường được. Xã hội hóa tôi rất đồng tình. Tuy nhiên cần phải minh bạch, rõ ràng. Không thể trong việc nào cũng xã hội hóa được.
Nếu chúng ta đủ năng lực thì chúng ta thực hiện, còn không đủ thì chúng ta phải nhờ chuyên gia của nước ngoài. Thậm chí chúng ta phải có sự hợp tác nước ngoài trong xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”, đại biểu kiến nghị.
Về địa điểm xây dựng các cơ sở hạt nhân, đại biểu cho rằng, chọn khu vực có thuận lợi về hạ tầng giao thông hay không. Chọn đất lúa hay đất rừng?
“Theo tôi, làm ở đâu thì làm nhưng không nên xây dựng ở khu dân cư. Hoặc nếu có thì phải di dời, tái định cư cho người dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn”, đại biểu nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu.
Về thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phóng xạ. Đây là việc rất mới, Việt Nam chúng ta chưa có tiền lệ. Chúng ta khai thác, thăm dò khoáng sản thì đã có rồi, nhiều nơi rồi. Nhưng bây giờ khai thác, thăm dò khoáng sản chất phóng xạ thì lại chưa có, cũng chưa có tiền lệ. Cho nên cũng đề nghị cần phải đưa vào quy định cụ thể, nhưng mà cần tham khảo với tương đồng tương xứng với luật khoáng sản, địa chất mà hiện nay chúng ta đã thông qua rồi”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Theo đại biểu Hòa, luật khoáng sản phóng xạ nó cũng là khoáng sản địa chất, cần phải có quan tâm giữa hai luật này để cho đảm bảo sự phù hợp với nhau để chúng ta khai thác: “Chúng tôi nghĩ rằng khai thác chất phóng xạ là hết sức là cần thiết để chúng ta sử dụng chất phóng xạ để làm giàu uranium hoặc là là phát triển nhà máy điện hạt nhân hoặc là sử dụng chất phóng xạ này để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo về vệ sinh môi trường”.
Có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao
Về phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, Dự thảo luật mới dừng lại ở định hướng có chính sách ưu đãi đối với việc đào tạo nhân lực, chưa đưa ra cơ chế cụ thể và nhấn mạnh để hỗ trợ thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, trong khi đây là một trong những yếu tố then chốt, quyết định thành bại của chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử.
Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Từ đó, đại biểu kiến nghị: Về chính sách học bổng đào tạo trong và ngoài nước. Theo đó, người học chuyên ngành năng lượng nguyên tử tại các cơ sở được chỉ định được cấp học bổng toàn phần bao gồm học phí, sinh hoạt phí và hỗ trợ tài liệu nghiên cứu thực hành.
Thứ hai, về ưu tiên tuyển dụng sinh viên giỏi. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên chuyên ngành năng lượng nguyên tử thì được ưu tiên xét tuyển vào cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, nhà máy điện hạt nhân. Thời hạn xét tuyển tối đa là 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Thứ ba, về thu hút chuyên gia quốc tế. Cần có quy định nhà nước khuyến khích ký hợp đồng chuyên gia ngắn hạn và dài hạn với các nhà khoa học, giảng viên, kỹ sư quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Các chuyên gia này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 3 năm đầu tiên làm việc tại Việt Nam.
“Đặc thù lĩnh vực năng lượng nguyên tử là đòi hỏi đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản lâu dài, có khả năng chịu trách nhiệm cao. Nước ta còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Do đó cần có cơ chế thu hút cả nhân lực trong nước và quốc tế, cơ chế ưu đãi tài chính, kết hợp cam kết phục vụ sau đào tạo cho những nhân lực chất lượng cao cho điện nguyên tử”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) kiến nghị cần quy định trách nhiệm pháp lý cụ thể, rõ ràng đối với cán bộ quản lý khi cố ý không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về sự cố phóng xạ hạt nhân.
Theo đại biểu, đây là lỗ hổng đáng lưu ý vì vai trò báo cáo kịp thời có tính nhất định trong công tác ứng phó sự cố và kiểm soát hậu quả.
“Tôi kiến nghị bổ sung điều khoản mới như sau, nghiêm cấm người đứng đầu cơ quan tổ chức có trách nhiệm báo cáo nhưng cố ý không thực hiện, trì hoãn hoặc báo cáo sai lệch thông tin liên quan đến sự cố bức xạ hạt nhân. Trong thực tiễn quốc tế, các vụ tai nạn nghiêm trọng như Chernobyl 1986 và Fukushima 2011 đều cho thấy hệ quả nặng nề khi thông tin về sự cố bị che giấu, chậm công bố hoặc sai lệch. Việc chế tài hành vi che giấu sự thật hoặc báo cáo sai sự cố không chỉ là yêu cầu về quản lý mà còn là yêu cầu đạo đức, trách nhiệm công vụ, góp phần tăng tính răn đe và nâng cao minh bạch trong ngành”, đại biểu nói.