• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,95 +0,60/+0,05%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,95   +0,60/+0,05%  |   HNX-INDEX   220,98   -1,97/-0,88%  |   UPCOM-INDEX   93,00   -0,62/-0,66%  |   VN30   1.315,28   +2,24/+0,17%  |   HNX30   457,15   -8,50/-1,83%
07 Tháng Giêng 2025 10:13:28 CH - Mở cửa
Sóng bất động sản công nghiệp tiếp tục dâng cao, tiền chảy vào túi ai?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 06/01/2025 9:19:19 SA

Thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ sôi động và có triển vọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc chạy đua tạo ảnh hưởng tại các “điểm nóng”, châu Á được kỳ vọng sẽ bứt phá, trong đó có Việt Nam.

Trong năm 2025, vốn FDI được dự báo chảy mạnh hơn, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp thay đổi mạnh về công nghệ, thu hút đầu tư vào công nghệ cao, chất bán dẫn…

Làn sóng lan rộng

Nhu cầu thuê khu công nghiệp ở miền Bắc nhiều khả năng tăng tích cực nhờ xu hướng “Trung Quốc + 1”. Trong khi các khu công nghiệp tại miền Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, chủ yếu từ các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu, logistics, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Ông Thomas Rooney, chuyên gia cao cấp của Savills Hà Nội, nhìn nhận trong khi các tỉnh phía Nam chủ yếu thu hút khách thuê bất động sản công nghiệp từ các ngành chế biến, như cao su, nhựa, thực phẩm và nước giải khát, thì khu vực phía Bắc lại trở thành trung tâm của các ngành có giá trị gia tăng cao, bao gồm ô tô, máy móc thiết bị, điện tử và sản xuất năng lượng mặt trời.

Có một điều đáng chú ý là không chỉ tại các tỉnh, thành phố trung tâm, sóng bất động sản công nghiệp đang lan rộng tới nhiều khu vực xa hơn. Điển hình, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cần Thơ thời gian qua lần lượt được chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp mới.

Bất động sản công nghiệp được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025.

Cụ thể, tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An thuộc Khu công nghiệp Nam Cấm D. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An.

Dự án được thực hiện tại xã Nghi Hưng, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc với diện tích hơn 183ha. Vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 216 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2). Nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ.

Diện tích khu công nghiệp này hơn 540ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Dự án có vốn đầu tư 7.850 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 1.178 tỷ đồng.

Tiền chảy vào túi ai?

Tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Xuân, huyện Cư M'gar. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần DPV Đắk Lắk.

Dự án được thực hiện tại xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar với diện tích hơn 313ha. Về vốn đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh yêu cầu nhà đầu tư rà soát, tính toán và xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất.

Có thể thấy bất động sản công nghiệp đang có nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm 2025-2026. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là động lực mạnh mẽ dẫn dắt ngành này. Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình phát triển để vươn lên trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu, nhằm đảm bảo vị thế thu hút vốn FDI.

Từ những động lực đang có, giới chuyên gia dự báo bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là nhóm “gánh” thị trường chung với đà hồi phục ở tốp đầu. Theo đó, tiền có thể sẽ lại chảy mạnh vào túi các “ông lớn” như KBC, Viglacera (VGC), Becamex (BCM), IDICO (IDC)…

Bên cạnh các ông lớn vốn đã được “chỉ mặt đặt tên”, tiềm năng của bất động sản công nghiệp cũng đang hút hàng loạt đại gia có tiềm lực khác gia nhập đường đua.

Như TTC Land, trong chiến lược sắp tới, công ty này sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại thị trường phía Nam. Hay Taseco Land trong thời gian qua cũng dành sự chú ý đặc biệt đến mảng bất động sản khu công nghiệp.

Mới đây, DIC Holdings, thành viên của DIC Corp, đã bắt tay hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các tên tuổi khác như Hà Đô, Vinaconex (VCG), Becamex (BCM), Viglacera (VGC)... cũng đang thể hiện rất nhiều tham vọng trong cuộc đua gom đất. Đại diện Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cũng từng cho hay công ty dự kiến quay trở lại đường đua bất động sản công nghiệp.

Trước diễn biến ngày càng nóng trên thị trường bất động sản khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định cuộc đua sẽ tiếp tục nóng bởi bất động sản công nghiệp đang là phân khúc "ngôi sao" của thị trường.

Đồng tình về tiềm năng khổng lồ của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, tuy nhiên, ông Thomas Rooney, chuyên gia cao cấp của Savills Hà Nội, đánh giá hiện nay, hầu hết các dự án khu công nghiệp đều được phát triển theo mô hình truyền thống.

“Việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản vì chi phí tốn kém, cần thời gian và sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý như những chính sách ưu đãi cùng với việc áp dụng hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu”, ông Thomas nhấn mạnh.

Chính vì vậy, để bất động sản công nghiệp duy trì sức hấp dẫn và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, các cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông cần tiếp tục được phát triển, quy hoạch đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, các nhà phát triển, nhà đầu tư cần chú trọng đến các xu hướng chung của ngành.

Trong đó, xu hướng phát triển bền vững, cụ thể là việc phát triển các khu công nghiệp xanh, đang ngày càng được quan tâm. Việc chuyển đổi và phát triển các khu công nghiệp xanh sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các nhà xưởng, kho bãi so với các mô hình truyền thống. Các dự án xanh không chỉ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn tạo ra môi trường phát triển, làm việc tích cực.

Hưng Nguyên-Link gốc