TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, giá nhà ở Việt Nam đã gấp khoảng 60 năm thu nhập của một công nhân. Nếu nguồn cung tăng, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ thì giá nhà sẽ tăng chậm lại chứ không thể giảm.
Giá nhà không được quá 30 năm thu nhập của công nhân
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà không được gấp quá 30 năm thu nhập của một công nhân. Nếu quá mức này, dấu hiệu bong bóng bất động sản xuất hiện. Tuy nhiên, giá nhà ở Việt Nam đã gấp khoảng 60 năm, tốc độ tăng giá bất động sản chóng mặt.
Giá nhà không được vượt quá 30% thu nhập của một công nhân.
TS Lê Xuân Nghĩa đã chỉ ra 2 lý do. Thứ nhất là do nguồn cung quá hạn hẹp. Thứ hai, tổng cung tiền hàng năm của Việt Nam tăng cao hơn cả GDP cộng với lạm phát, tức là tổng GDP và lạm phát khoảng 10%, nhưng tổng cung tiền đã tăng tới 14-15%. Một lượng tiền lớn đã đi vào bất động sản khiến giá bất động sản tăng cao.
Trước câu hỏi liệu giá nhà Việt Nam có giảm, ông Nghĩa nói: “Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều chuyên gia và nhận thấy rằng một nửa trong số đó nhận định giá nhà khó giảm, thậm chí vẫn tăng. Họ cũng đồng tình với ý kiến, nếu nguồn cung tăng, trong đó có nhà ở xã hội và nhà giá rẻ thì giá nhà sẽ tăng chậm lại chứ không thể giảm”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, ở là nhu cầu thiết yếu mà giờ đây người dân còn không dám nghĩ tới. Về dài hạn, đây là vấn đề rất lớn.
Liên quan đến giá bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, chưa có lý do gì để chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm giá bán, đồng thời việc tìm câu trả lời cho câu hỏi giá bất động có thể giảm hay không là vấn đề thách thức lớn của thị trường, bởi giá nhà tăng đều 8 - 10%/năm ở nhiều phân khúc khác nhau.
“Để người có nhu cầu thật dễ tiếp cận nhà ở, thì cần không chỉ chính quyền địa phương cần có giải pháp giãn dân, mở rộng vùng đô thị, mà người dân cũng phải chủ động lựa chọn những sản phẩm phù hợp.
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, nhà đầu tư có thể nhìn thấy nhiều khu vực trung tâm hay gần trung tâm thành phố có giá lên đến 150 - 200 triệu đồng/m2/căn hộ, nhưng ở những khu vực vùng ven thành phố vẫn đang có giá 40 - 50 triệu đồng/m2/căn hộ”, bà Dương Thùy Dung chia sẻ thêm.
Giá nhà Việt Nam gần như gấp đôi so với thế giới
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho biết một khảo sát mới nhất của một tổ chức chuyên nghiên cứu về bất động sản cho thấy giá bất động sản ở Việt Nam so với thu nhập trung bình của người dân phải mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được một căn nhà giá trung bình, so với bình quân của thế giới là 14,5 năm.
“Như vậy, giá nhà tại Việt Nam gần như gấp đôi so với trung bình của thế giới, chưa nói đến sức mua. Ngoài ra, chỉ số tăng giá bất động sản trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2019 đến nay), theo như Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thông tin là tăng nhanh nhất khu vực, đặc biệt là nhà ở và đất nền tăng đến 60-70%”, ông Lực nói.
Giá nhà tại Việt Nam gần như gấp đôi so với trung bình của thế giới.
Mặc dù nguồn cung thiếu, nhu cầu thực nhiều nhưng giao dịch thời gian qua đang chững lại. Có ý kiến cho rằng là do thiếu nguồn vốn, tuy nhiên ông Lực khẳng định nguồn vốn để cung cấp cho thị trường bất động sản không thiếu. Vấn đề mấu chốt ở đây là giá tăng quá cao, người dân mong chờ giá giảm để mua.
TS Lực cho biết thêm nguồn vốn ngân hàng cho bất động sản vẫn tăng 9,15% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn so với bình quân toàn thị trường. Trong đó, cho vay chủ đầu tư tăng 16%, cho vay mua nhà chỉ tăng 4,6%, điều này có nghĩa là người dân chưa vay tiền để đi mua nhà.
Từ thực tế này, ông Lực nhấn mạnh một trong những giải pháp tốt nhất là cần phải tăng nguồn cung. “Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm đưa gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị, bước đầu khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương là 30.000 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng phát hành trái phiếu của Chính phủ. Còn địa phương khoảng 30.000 tỷ đồng”, ông thông tin.
Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần tháo gỡ, giải quyết nhanh các dự án bất động sản, đất đai còn vướng mắc, tồn đọng hoặc bỏ hoang trong nhiều năm qua. Sơ bộ các dự án này có giá trị lên tới hàng chục tỷ USD. Nếu giải tỏa được, nguồn cung cực kỳ lớn, chủ đầu tư cũng sẵn sàng bán với giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kiến nghị phải sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, nhà ở đồng bộ, vì hiện tại, có nhiều thông tin, số liệu khác nhau về bất động sản.
Link gốc