Ngày 7/1, Indonesia chính thức gia nhóm các nền kinh tế mới (BRICS) đã bổ sung nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á vào khối này. Nhưng liệu Jakarta có thể duy trì quan hệ hữu nghị với phương Tây?
Biểu tượng BRICS cùng quốc kỳ các nước thành viên và các nước được mời gia nhập nhóm. Ảnh: IRNA/TTXVN
BRICS được thành lập vào năm 2009 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó có Nam Phi tham gia. Đến năm 2024, nhóm này kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Với sự mở rộng này, BRICS đang cố gắng khẳng định vị thế như một đối trọng với nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) do Mỹ dẫn đầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Rolliansyah Soemirat, phát biểu: “BRICS là nền tảng quan trọng để Indonesia thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và đảm bảo tiếng nói của các quốc gia phương Nam được đại diện trong các quyết sách toàn cầu”.
Indonesia cam kết đóng góp vào các chương trình nghị sự của BRICS, bao gồm củng cố khả năng kinh tế, hợp tác công nghệ và y tế công cộng, theo ông Soemirat.
Trong khi cựu Tổng thống Joko Widodo từng từ chối gia nhập BRICS vào năm 2023 do lo ngại rủi ro, người kế nhiệm, Tổng thống Prabowo Subianto lại không ngần ngại đưa đất nước vào khối này. Quyết định này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong chính phủ mà còn thể hiện xu hướng mới của các quốc gia phương Nam.
Trước những bất ổn kinh tế và xung đột ở Ukraine và Trung Đông, nhiều nước đang tìm cách xích lại gần Bắc Kinh và Moskva, dù điều này có thể khiến Washington phật lòng. Hiện đã có hơn 30 quốc gia, trong đó có Thái Lan, Malaysia, bày tỏ quan tâm hoặc nộp đơn xin gia nhập BRICS.
Một trật tự thế giới đa cực
BRICS đang ngày càng được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế và chính trị. Bắc Kinh thường kêu gọi xây dựng một trật tự thế giới "đa cực", nơi cơ sở hạ tầng an ninh và tài chính không bị chi phối độc quyền bởi Mỹ.
BRICS cũng thường bàn luận về sự thống trị của đồng USD và tìm kiếm các khuôn khổ tài chính thay thế. Với sự hỗ trợ từ Moskva và Bắc Kinh, BRICS trở thành biểu tượng cho một trật tự thế giới mới đang hình thành.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, BRICS không phải là một khối chống phương Tây. Indonesia, giống như Ấn Độ, một thành viên sáng lập BRICS, duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia phương Tây và không có ý định đứng về phía nào trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Tiến sĩ M. Habib Abiyan Dzakwan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Indonesia, nhận định Indonesia không có ý định tách rời phương Tây, dù chậm hay nhanh.
Theo ông, Indonesia chỉ muốn mở rộng phạm vi hoạt động và nếu duy trì được lập trường không liên kết, nước này có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của BRICS theo hướng bao trùm, không loại trừ phương Tây.
Ông Teuku Rezasyah, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran, cho rằng tư cách thành viên BRICS giúp Indonesia có thêm đòn bẩy trong trật tự toàn cầu, đồng thời duy trì quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Cơ hội trong bối cảnh Mỹ thay đổi chính sách
Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức, nhiều dự đoán cho rằng Mỹ sẽ rút lui khỏi các cam kết đa phương. Trong bối cảnh đó, Indonesia có cơ hội củng cố vai trò lãnh đạo ASEAN và tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Ông Alexander Raymond Arifianto, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định việc xây dựng các mối quan hệ đối tác cùng có lợi với các quốc gia Đông Nam Á không chỉ củng cố vị thế không liên kết của khu vực mà còn nâng cao vai trò lãnh đạo của Indonesia trong ASEAN.
Việc Indonesia gia nhập BRICS đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của quốc gia này, mang lại cả cơ hội và thách thức khi nước này phải cân bằng giữa quan hệ với phương Tây và vai trò mới trong BRICS.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo DW)
Link gốc