Bối cảnh trong và ngoài nước chưa có yếu tố mới đủ tích cực, cùng việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng khiến thị trường chứng khoán chưa thể tăng mạnh ngay nên VN-Index khó có đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm.
VN-Index mở cửa phiên đầu tuần (10/2) trong sắc đỏ. Lực bán mạnh dồn dập về cuối phiên khiến chỉ số chính giảm sâu bởi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trước lo ngại về thuế quan thúc đẩy hành động chốt lời nhiều hơn khi VN-Index đến cuối tuần qua (3-7/2) bắt đầu tiến vào vùng đỉnh tháng 12 năm ngoái.
Khó vượt kháng cự 1.280-1.300
Trước đó, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận một tuần giao dịch mới với nhiều biến động xoay quanh những thông tin trong nước và quốc tế.
Cụ thể, VN-Index khởi đầu tuần giao dịch với một phiên giảm điểm mạnh ngày 3/2 do ảnh hưởng từ việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa xuất khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại và phục hồi trong phiên 4/2, khi Mỹ tuyên bố hoãn thực thi việc áp thuế đối với Canada và Mexico trong vòng một tháng...
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250211/images/-2402-1739180848_1200x0.jpg)
Bối cảnh trong và ngoài nước chưa có yếu tố mới đủ tích cực cùng việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng khiến thị trường chưa thể tăng mạnh ngay.
Chốt tuần, VN-Index vẫn chinh phục thành công mốc 1.275 điểm và tiến lên vùng kháng cự mạnh của năm 2024 là 1.280-1.300 điểm nhờ các thông tin hỗ trợ tiếp tục là kết quả kinh doanh tốt của nhiều cổ phiếu trụ cột.
Bên cạnh đó, thông tin Chính phủ dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6,5-7% lên 8% trở lên và nới chỉ tiêu lạm phát (CPI) lên 4,5-5%... là yếu tố tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, đà tăng có phần chững lại trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, và vẫn duy trì một tín hiệu đáng ngại là khối ngoại tiếp tục bán mạnh trong tuần với hơn 4.200 tỷ đồng, tập trung vào nhiều mã bluechip như Masan (MSN), Vinamilk (VNM), FPT... Trong năm 2024, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK “mở bát” đầu năm Ất Tỵ tích cực, hứng khởi, mang lại kỳ vọng về một năm tăng trưởng tốt, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thiếu vắng thông tin hỗ trợ, nhất là sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024, thị trường bước vào vùng trống thông tin. Do đó, chỉ số VN-Index khó có thể vượt vùng kháng cự 1.280-1.300 điểm - vùng kháng cự rất mạnh mà VN-Index chưa thể vượt qua trong năm 2024.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDIRECT, TTCK được hỗ trợ từ những thông tin tích cực trong nước, đặc biệt là chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ trong năm 2025, xu hướng này sẽ có tác động tích cực đến các kênh tài sản, trong đó có chứng khoán.
Đồng thời, số liệu vĩ mô tháng 1 được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/2 cho thấy khởi đầu khá tích cực của nền kinh tế trong năm 2025. Tuy chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ dài ngày, hoạt động sản xuất công nghiệp (IIP) và vốn đầu tư công thực hiện vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ dù số ngày làm việc ít hơn.
Theo ông Hinh, "guồng quay" tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm nay chứ không “chậm chạp do có tâm lý nghỉ lễ ” như các năm trước. Bối cảnh hiện tại đang giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư nội.
“Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, thị trường chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên”, ông Hinh nhận định.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu – Đầu tư CTCP FIDT, Chủ tịch CTCP 1IB nhận xét, về bối cảnh thế giới, thị trường bắt đầu năm mới với nhiều biến động, cụ thể là nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Yếu tố này rất khó đong đếm.
Về bối cảnh trong nước, ông Huy đánh giá các số liệu vĩ mô tháng 1/2025 vừa công bố cũng không quá ấn tượng và thị trường sau hiệu ứng đầu năm chưa có câu chuyện mới.
“Để thị trường vượt vùng kháng cự “cứng” 1.280 – 1.300 cần một sức bật rất lớn, bối cảnh trong và ngoài nước chưa có yếu tố mới đủ tích cực. Xác suất vượt kháng cự này trong vài tuần này sẽ không cao”, ông Huy nêu.
Nhịp điều chỉnh có thể xuất hiện
Chứng khoán Pinetree cũng có góc nhìn tương tự và lưu ý thị trường tạm thời sẽ không còn động lực từ câu chuyện kết quả kinh doanh quý IV/2024 – một yếu tố quan trọng thúc đẩy cho VN-Index, khi các ngân hàng đều đã sáng tỏ về bức tranh lợi nhuận.
Bên cạnh đó, những biến số vĩ mô như tỷ giá lại tăng mạnh trở lại vào đầu năm trong bối cảnh có một số dòng outflow lớn từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc những biến số khách quan như động thái tiếp theo giữa Mỹ - Trung sẽ khiến cho chiến tranh thương mại căng thẳng đến đâu có thể sẽ là lý do kìm hãm cho xung lực tăng của TTCK.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research nêu các thách thức mà TTCK Việt Nam cần phải vượt qua: Tốc độ hạ lãi suất chậm lại của Fed, biến động tỷ giá, động lực tiêu dùng trong nước cần thêm thời gian hồi phục và chính sách khó đoán của Tổng thống Trump sẽ gây rủi ro cho tăng trưởng của kênh xuất khẩu.
“Rủi ro cần theo dõi là tỷ giá biến động mạnh, chính sách thuế quan khó lường của Mỹ, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận thị trường không như kỳ vọng”, báo cáo nêu.
Mặt khác, về yếu tố kỹ thuật, VN-Index vừa kết thúc tuần ở vùng cản khá mạnh 1.280 – 1.290 điểm, trong khi xu hướng trung hạn vẫn đang đi ngang với biên độ rộng, vì vậy kịch bản có thể xảy ra trong tuần này là một nhịp điều chỉnh khi VN-Index tiến đến vùng 1.290 điểm.
“Nhà đầu tư cần thận trọng trước áp lực chốt lời ngắn hạn và động thái rút ròng của khối ngoại. Những phiên rung lắc có thể xảy ra khi thị trường tiến tới các vùng kháng cự quan trọng, đòi hỏi chiến lược giao dịch linh hoạt”, ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng phân tích, Chứng khoán BETA khuyến nghị.
Theo đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và xem xét cơ cấu danh mục đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc chốt lời từng phần ở những mã đã tăng mạnh, đà tăng giảm dần. Cần theo dõi diễn biến mặt bằng lãi suất và tỷ giá, để kịp thời điều chỉnh danh mục phù hợp. Cùng với đó, ưu tiên những nhóm đang có thông tin hỗ trợ mạnh như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, xuất khẩu dệt may, thủy sản.
Hải Giang-Link gốc