Sau Canada, Mexico và Trung Quốc, hiện có khả năng Tổng thống Mỹ sẽ nhắm đến châu Âu - và Thụy Sĩ cũng không nằm ngoài tầm ngắm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Thụy Sĩ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và trong bài viết mới nhất trên tờ Neue Zürcher Zeitung, tác giả Guido Schätti cho rằng nhiều công ty của Thụy Sĩ chưa có sự chuẩn bị tốt cho vấn đề này.
Lấy ví dụ như trường hợp Tesla, từng được ca ngợi là đi tiên phong trong lĩnh vực xe điện. Hiện doanh số bán xe Tesla đang sụt giảm, không chỉ ở châu Âu mà còn ở Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho các hãng xe khác. Honda đang mở rộng hoạt động sản xuất xe điện tại Mỹ, quá trình này phụ thuộc vào một công ty Thụy Sĩ. Đó là công ty Bühler ở thị trấn Uzwil. Tuần này, Bühler đã công bố đơn đặt hàng trị giá hàng chục triệu franc để cung cấp giải pháp đúc siêu lớn cho trung tâm sản xuất xe điện của Honda. Tuy nhiên, những lo ngại mới bắt đầu xuất hiện. Nếu sản phẩm của Thụy Sĩ hoặc châu Âu đột nhiên phải chịu thuế trừng phạt thì sao? Khi đó, xuất khẩu sang Mỹ có thể thua lỗ.
Trong những ngày qua, Mỹ tuyên bố mức thuế trừng phạt bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump thậm chí còn đe dọa Mexico và Canada bằng mức thuế 25%, nhưng ông tạm thời đình chỉ việc thực hiện. Hiện có khả năng Tổng thống Mỹ sẽ nhắm đến châu Âu - và Thụy Sĩ cũng không nằm ngoài tầm ngắm. Rõ ràng, có sự lo lắng trong các doanh nghiệp. Ông Trump từng tuyên bố cuộc chiến thuế có vai trò quan trọng, coi đây là một trong những biện pháp của chiến lược “Nước Mỹ trước tiên”.
Nhận định về quan điểm này, ông Simeon Probst, Giám đốc tư vấn hải quan và thương mại quốc tế tại PwC Thụy Sĩ, cho rằng: “Nhiều công ty từng hy vọng mọi thứ sẽ không trở nên khắc nghiệt như những bài phát biểu lúc đó. Thực tế, ông Trump đã nghiêm túc đưa ra các quyết định, nó nhanh chóng đến nỗi khiến nhiều người ngạc nhiên".
Hiện Thụy Sĩ nằm trong danh sách 15 quốc gia mà Tổng thống Trump cáo buộc là sống dựa vào Mỹ nhờ thặng dư thương mại. Trong trường hợp của Thụy Sĩ, thặng dư lên tới hơn 38 tỷ franc. Ông Probst chia sẻ: "Chúng ta phải nhận định rằng Thụy Sĩ sẽ lọt vào tầm ngắm của Mỹ. Kịch bản tệ nhất sẽ là mức thuế trừng phạt từ 10-20% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ”.
Lúc này các công ty Thụy Sĩ không rõ sẽ phải trả bao nhiêu thuế hải quan nếu xảy ra cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, tốc độ ra quyết định của ông Trump đã khiến nhiều công ty Thụy Sĩ lúng túng. Hiện tại, họ đang cố gắng tìm hiểu xem mức thuế mới có ý nghĩa gì đối với họ. Vấn đề là nhiều công ty không nắm rõ về chuỗi cung ứng của chính mình. Ông Prost nói thêm: "80% các công ty không biết mức thuế hải quan mà họ phải trả trên toàn thế giới là bao nhiêu. Điều này khiến các công ty không thể đưa ra quyết định chiến lược có cơ sở".
Cho đến gần đây, thuế quan vẫn được coi là “di tích” của quá khứ. Khi toàn cầu hóa tiến triển, người ta tin rằng chúng sẽ tự động bị vứt vào thùng rác của lịch sử. Nhưng với ông Trump, điều này đã thay đổi. Thuế quan đã có được ý nghĩa địa chính trị. Một con số đang trở thành yếu tố quyết định. Nó chỉ định cho vị trí của sản phẩm trong hệ thống thương mại toàn cầu và xác định quốc gia nào phải trả thuế nào đối với sản phẩm đó.
Giám đốc công ty tư vấn Customs School Switzerland – bà Claudia Feusi thừa nhận: “Nếu bạn không biết số thuế hải quan, bạn sẽ thua. Thời gian qua, chúng tôi dành phần lớn thời gian để hướng dẫn khách hàng cách giải mã luồng hàng hóa của họ và xác định số thuế hải quan”. Chỉ khi các công ty biết Trung Quốc, Mexico và Canada tham gia vào chuỗi cung ứng của họ nhiều như thế nào, họ mới có thể hiểu rõ về các chi phí bổ sung. Tuy nhiên, ngay cả như vậy cũng không đủ để đánh giá toàn diện tình hình. Bà Feusi nói thêm: "Các công ty cũng cần biết khách hàng của họ bị ảnh hưởng như thế nào. Bởi vì nếu khách hàng bị ảnh hưởng, họ cũng bị ảnh hưởng".
Vấn đề thuế quan đặc biệt quan trọng đối với các công ty Thụy Sĩ, vì họ thường không sản xuất các sản phẩm cuối cùng, mà là nhà cung cấp các bộ phận phức tạp về mặt kỹ thuật. "Các công ty Thụy Sĩ nổi tiếng với chất lượng cao và được định giá tương ứng. Hầu như luôn có một sản phẩm của Thụy Sĩ ở đâu đó", bà Feusi nói. Do đó, Giám đốc công ty tư vấn Customs School Switzerland cho rằng không nên sử dụng các thủ thuật với số thuế quan để tránh thuế hải quan. Nếu số đó sai trong quá trình kiểm tra hải quan, các khoản phí bổ sung có thể được tính ngược lại trong nhiều năm, điều có thể khiến công ty phá sản.
Tuy vậy, vấn đề hiện nay không đồng nghĩa với việc các công ty không có lựa chọn nào khác, ngoài hệ thống thuế quan của Mỹ. Các nhà tư vấn nêu ra ba chiến lược mà các công ty có thể sử dụng để ứng phó với viễn cảnh mới. Một là, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thay vì mua hàng ở Trung Quốc, các công ty mua hàng ở các quốc gia khác, để tránh thuế quan trừng phạt đối với các lô hàng giao đến Mỹ. Các công ty Trung Quốc cũng sử dụng thủ thuật này. Họ xuất khẩu các sản phẩm trung gian sang các nước láng giềng, lắp ráp cuối cùng tại đó rồi xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ mà không phải chịu thuế quan trừng phạt.
Hai là, di dời sản xuất. Các công ty có thể thiết lập hoạt động sản xuất riêng của mình tại Mỹ. Điều này có nghĩa là họ đang làm chính xác những gì ông Trump dự định, nhưng họ không phải chịu thuế quan trừng phạt. Nếu ông Trump áp thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của châu Âu, điều này có thể làm tăng thị phần của Mỹ.
Ba là, sử dụng các hiệp định thương mại tự do. Thụy Sĩ đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với 43 quốc gia, một số trong khuôn khổ của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).
Bà Claudia Feusi cho biết: "Ngay khi hoạt động thương mại với các quốc gia này diễn ra và các quy tắc của thỏa thuận tương ứng được đáp ứng, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Các công ty có thể chuyển hướng các bước sản xuất của mình. Nếu một chiếc xe đạp trước đây được sản xuất tại Trung Quốc có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn được tạo ra tại Thụy Sĩ, thì nó có thể trở thành một sản phẩm của Thụy Sĩ. Mặc dù vậy, bất kỳ biện pháp nào được thực hiện, chúng đều tốn kém và chiếm dụng nguồn lực. Không chắc liệu họ có thu được lợi nhuận hay không nhưng họ vẫn cần phải nghiên cứu triển khai, vì biết đâu vào ngày mai, ông Trump có thể áp thuế trở lại”.
Anh Hiển
Link gốc