Nhật Bản có kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa trong việc mua sắm thiết bị cho các trang trại điện gió ngoài khơi lên khoảng 70% vào năm 2040 từ mức 60% hiện tại.
Nhật Bản muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 70% cho các dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: BNEWS phát
Động thái nhằm phát triển chuỗi cung ứng trong nước với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Một nhóm chuyên gia sẽ bắt đầu họp vào cuối tháng này để thảo luận về mục tiêu mua sắm và các biện pháp hỗ trợ cần thiết. Dự kiến, kế hoạch mới sẽ được hoàn thiện vào mùa Hè năm nay.
Mục tiêu mua sắm mới sẽ đề cập đến tỷ lệ giá trị mà các thành phần được sản xuất tại Nhật Bản - với sự tham gia của các công ty nội địa - chiếm trong tổng đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi.
Nhật Bản hiện không có nhà sản xuất tua bin gió và phụ thuộc vào nhập khẩu các thành phần cốt lõi. Các công ty phương Tây như GE Vernova, Vestas và Siemens Gamesa Renewable Energy thống trị ngành công nghiệp này.
Không có nhà sản xuất nào trong số này có nhà máy tại Nhật Bản sản xuất nacelle, cánh tua bin và các thành phần quan trọng khác. Các công ty Nhật Bản phần lớn chỉ giới hạn ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn như lắp đặt và vận hành.
Một trang trại gió bắt đầu hoạt động ngoài khơi đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản vào tháng 1/2024 là dự án đầu tiên đạt ngưỡng mua sắm nội địa là 60%. Trang trại gió này được phát triển bởi Green Power Investment, có trụ sở tại Tokyo.
Để đạt được mục tiêu mua sắm cao hơn, Nhật Bản sẽ yêu cầu các nhà cung cấp phương Tây xây dựng nhà máy tại Nhật Bản, trong khi các công ty Nhật Bản phải chuẩn bị đầy đủ năng lực để cung cấp cho họ các bộ phận và vật liệu. Một nacelle đơn lẻ, mô-đun lớn chứa các thành phần tạo ra tua-bin, cần hơn 10.000 bộ phận.
Sắc lệnh gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc dừng cho thuê đất liên bang để xây dựng các trang trại điện gió có thể thúc đẩy các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nơi khác, mở ra cơ hội để Nhật Bản nắm bắt nhu cầu.
Nhật Bản đặt mục tiêu đạt công suất điện gió ngoài khơi là 10 GWvào năm 2030 và 30 - 45 GW vào năm 2040.
Theo Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng Nhật Bản, vào năm 2023, chi phí để sản xuất 1 kilowatt-giờ năng lượng từ điện gió ngoài khơi cố định ở Nhật Bản là 30,9 yen (0,2 USD), gần gấp đôi so với mức 16,3 yên của điện gió trên bờ.
Đến năm 2040, điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ trở thành một nguồn năng lượng chủ chốt, với các tuabin gió nổi đóng góp một phần công suất. Đến thời điểm đó, chi phí sản xuất điện dự kiến sẽ đạt 14 yen cho điện gió ngoài khơi với nền móng cố định và 14,5 yên cho điện gió trên đất liền.
Theo mục tiêu dự thảo của Chính phủ, Tokyo muốn các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 40-50% cơ cấu năng lượng của Nhật Bản vào năm tài chính 2040, tăng so với mức 22,9% vào năm tài chính 2023. Năng lượng gió dự kiến chiếm 4-8% tổng số.
Nhóm chuyên gia sẽ đặt mục tiêu đến năm 2040 là triển khai các bệ nổi cho tua bin gió phù hợp hơn với vùng nước sâu bao quanh phần lớn Nhật Bản.
Xuân Giao-Link gốc