Bất chấp những nỗ lực tháo gỡ của Chính phủ và địa phương, năm 2024 vẫn là năm đầy thách thức với doanh nghiệp bất động sản, theo đó tài sản của các chủ đầu tư địa ốc khi bước vào năm 2025 cũng ở nhiều thái cực, nơi bốc hơi, nơi lại tăng đáng kể.
Novaland (NVL) tiếp tục là một trong những tên tuổi hàng đầu gây nhiều chú ý nhất năm 2024 cả ở khía cạnh tích cực và tiêu cực. Lũy kế 12 tháng, tổng doanh thu hợp nhất từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland là 9.073 tỷ đồng, không bao gồm doanh thu từ hoạt động tài chính.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế 12 tháng ghi nhận khoản lỗ 4.351 tỷ đồng, phần lớn do trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo bán niên 2024 theo quan điểm riêng của đơn vị kiểm toán. Đây cũng là lần đầu tiên Novaland công bố lỗ hàng ngàn tỷ cho cả năm tài chính kể từ khi lên sàn.
Bước sang năm 2025, tổng tài sản của NVL đạt hơn 238.181 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 146.611 tỷ đồng, trong đó, giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng chiếm 94,1%, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa hoặc sản phẩm đã hoàn thiện chờ bàn giao.
Các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi, song cũng còn không ít thách thức.
Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng có một năm kinh doanh nhiều thái cực, với điểm tích cực là khối tài sản khi bước sang năm 2025 tăng từ hơn 21.067 tỷ đồng lên 24.116 tỷ đồng. Khép lại năm 2024, lợi nhuận gộp của Phát Đạt đạt hơn 861 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đối với nợ phải trả, doanh nghiệp này có tổng nợ phải trả hơn 12.692 tỷ đồng, tăng so với mức 11.488 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 2/3 là nợ ngắn hạn.
Trong khi đó, Nam Long Group (NLG) nâng khối tài sản lên 30.308 tỷ đồng trong năm vừa qua, tăng gần 1.700 tỷ đồng so với cuối năm trước đó, tương ứng mức tăng 5,93%.
Năm qua, Nam Long đạt doanh thu thuần 7.196 tỷ đồng, tăng 126% so với năm trước, chủ yếu đến từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự… Lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 1.382 tỷ đồng.
Bên cạnh điểm tích cực, một áp lực với doanh nghiệp này là hơn 17.993 tỷ đồng hàng tồn kho trong năm qua, tăng so với đầu năm và có 6.961 tỷ đồng nợ vay tài chính, trong đó phần lớn là nợ dài hạn.
Điểm qua những tên tuổi đáng chú ý để thấy rằng bên cạnh những động lực, các doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối diện với không ít thách thức trong năm 2025.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, đến cuối năm 2024, hơn 1.058 doanh nghiệp niêm yết (khoảng 97,5% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán) đang có lợi nhuận ròng đạt mức tăng trưởng 18,8%, nhưng điều này dựa trên mức nền thấp của năm trước.
Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật của Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án tính đến cuối quý III/2024 vào khoảng 25.937 sản phẩm, bao gồm 4.688 căn chung cư, 12.250 căn nhà ở riêng lẻ và 8.999 nền đất.
Đây là các sản phẩm đủ điều kiện bán hàng nhưng chưa được giao dịch. Ngoài ra, còn nhiều dự án đang vướng pháp lý, nếu kịp thời tháo gỡ vào cuối năm nay và đầu năm sau thì nguồn vốn mới sẽ là trợ lực rất lớn cho các doanh nghiệp.
Có thể nói, sự lạc quan trong tâm lý của nhà đầu tư chính là yếu tố quan trọng giúp kỳ vọng vào một thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Đặc biệt, sự vào cuộc của Chính phủ, địa phương, cùng với đó là sự thẩm thấu của bộ 3 luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sự cân bằng cho thị trường địa ốc.
Song vấn đề lúc này là các doanh nghiệp làm thế nào để đáp ứng đủ dòng tiền, đảm bảo tài sản tăng, giải quyết bài toán hàng tồn và áp lực trái phiếu... Chỉ khi những câu hỏi trên có lời giải, thị trường địa ốc mới thực sự trở lại đường ray phục hồi.
Nhật Minh-Link gốc