Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP. HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI) kháng cáo về việc tòa án sơ thẩm tuyên kê biên phần vốn góp của các cổ đông góp vốn tại TVSI và 10% phần vốn góp của TVSI tại Công ty bảo hiểm FWD.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2, vợ ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt) cho rằng chồng mình không có nghĩa vụ bồi thường nên đề nghị Tòa gỡ bỏ các biện pháp kê biên, ngăn chặn đối với các tài sản của ông Thành và gia đình.
Là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Tống Thị Thanh Hòa (vợ ông Nguyễn Tiến Thành), kháng cáo việc ngăn chặn tài sản của ông Thành. Hiện ông Thành đã chết, bà thuộc hàng thừa kế đầu tiên.
.png)
Phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Theo bà Hòa, trong Bản án sơ thẩm đã buộc bà Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại. Điều này đồng nghĩa, chồng bà sẽ không có nghĩa vụ phải bồi thường. Vì vậy, bà đề nghị tòa gỡ bỏ kê biên đối với 8.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt, 2 khoản tiền trong tài khoản, bất động sản… do ông Thành và cha mẹ đứng tên. Theo bà Hòa, ông Thành không được hưởng lợi gì từ sai phạm của bà Lan, việc kê biên, ngăn chặn đã gây khó khăn về mặt kinh tế cho gia đình bà.
Trước yêu cầu này của bà Hòa, Hội đồng Xét xử giải thích, cấp sơ thẩm không kê biên, ngăn chặn tài sản của ông Thành mà chỉ kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Việc xác minh tài sản không chỉ của mình ông Thành mà còn của Nguyễn Phương Hồng (thành viên HĐQT, cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và ông Nguyễn Ngọc Dương (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula và Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam).
Vì vậy, yêu cầu này bà Hòa cần đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để được trả lời.
Bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù. Tại tòa, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội, ăn năn, hối hận nên vận động gia đình khắc phục thêm 500 triệu đồng cho các bị hại. Bị cáo cũng cho biết, ở phiên sơ thẩm bị cáo đã khắc phục được hơn 1 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Thị Thúy Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB, Chi nhánh Sài Gòn) xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Ái trình bày, bản thân là mẹ đơn thân, chồng đã mất, 2 con còn nhỏ hiện gửi ông bà nội nuôi dưỡng. Trong khi đó, cha mẹ chồng bị cáo đã 80 tuổi, già yếu, bị cáo mong Hội đồng Xét xử xem xét giảm án để bị cáo sớm được trở về lo cho các con.
Bị cáo Bùi Văn Dũng (tài xế của bị cáo Lan) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội rửa tiền), trước phiên xử có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng tại phiên tòa đã xin rút kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và giữ nguyên kháng cáo phần xử lý vật chứng trong vụ án.
Bị cáo Dũng được xác định đã giúp sức Trương Mỹ Lan che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng 6.300 tỷ đồng.
Tại tòa phúc thẩm, sau khi rút một phần kháng cáo, bị cáo này xin gỡ lệnh phong tỏa tài khoản với số tiền 13 tỷ đồng vì cho rằng đây là số tiền của bản thân, gia đình, không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Số tiền có nguồn gốc từ việc bị cáo làm môi giới bất động sản, tiền đền bù giải phóng mặt bằng má vợ cho, tiền bán căn nhà được 600 triệu... Tuy nhiên đối với số tiền có được từ môi giới bất động sản thì bị cáo chủ yếu môi giới bằng miệng rồi nhận tiền môi giới chứ không có hợp đồng để cung cấp cho Hội đồng xét xử.
Số tiền, sổ tiết kiệm đang phong tỏa tại các ngân hàng theo bản án sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2 là hơn 388 tỷ đồng (trong đó có hơn 111.000 USD). Ở giai đoạn 1 của vụ án, số tiền đang bị phong tỏa là hơn 955 tỷ đồng.
Trần Lê-Link gốc