Nhà ở xã hội ngày càng nhiều nhưng cũng theo đó giá ngày càng tăng. Những căn nhà ở xã hội mới có giá 1,5 tỷ đồng, hay những căn hộ mua qua bán lại có giá lên tới 4-5 tỷ đồng giờ không còn là chuyện hiếm.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại tòa OXH3 và OXH2 của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Kiến Hưng, quận Hà Đông. Thời gian tiếp nhận hồ sơ trong vòng 1 tháng tới (tức đến hết ngày 9/5).
Giá liên tục tăng
Dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng do liên danh CTCP đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng (đại diện liên danh) và CTCP Đầu tư phát triển Hợp Phú làm chủ đầu tư. Dự kiến sẽ có 103 căn được chuyển bán, diện tích bình quân 35-56,4 m2, giá bán 13,7-13,4 triệu đồng/m2.
Nếu tại dự án trên, người mua chỉ phải trả mức giá bình quân 480-778 triệu đồng/căn hộ, thì tại một dự án cũng vừa được công bố tại Hà Nội là dự án nhà ở xã hội xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, khách hàng dự kiến sẽ phải bỏ ra số tiền xấp xỉ 1,5 tỷ đồng cho mỗi căn hộ.

Giá nhà ở xã hội vẫn không ngừng tăng trong những năm qua.
Cụ thể, theo Sở Xây dựng, giá bán tạm tính các căn hộ tại dự án Kim Hoa là 21,2 triệu đồng/m2 (gồm VAT, chưa có phí bảo trì). Với đơn giá trên, căn hộ diện tích 69 m2 sẽ có giá khoảng 1,46 tỷ đồng. Giá thuê mua tại dự án khoảng 262.000 đồng/m2, tương ứng số tiền phải trả dự kiến cho căn hộ lớn nhất là 18 triệu đồng/tháng.
Nếu được thông qua, mức giá gần 1,5 tỷ đồng/căn tại dự án nhà xã hội Kim Hoa sẽ lọt tốp “đắt đỏ” hàng đầu lịch sử thị trường nhà ở xã hội tại Thủ đô, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ. Như tại dự án NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm), được mở bán với mức giá 20 triệu đồng/m2, đồng nghĩa với diện tích lớn nhất 76,8 m2, giá căn hộ cũng lên tới gần 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức cao nhất thuộc về khu nhà xã hội tại khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì với giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Dự án này từng chứng kiến tỷ lệ cạnh tranh nộp hồ sơ vô cùng khốc liệt, với tỷ lệ “1 chọi 19”.
Có thể thấy, mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu tại Hà Nội đang liên tục thiết lập những cột mốc mới. Trước đây, mức giá được phê duyệt thường dao động ở mức 13-17 triệu đồng/m2. Điều này một lần nữa dấy lên tranh cãi trong cộng đồng người mua nhà.
Nếu giá nhà ở xã hội mới tăng 1, thì giá nhà ở xã hội cũ còn tăng gấp 3-5 lần. Như tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) đang được môi giới rao bán căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ, với giá 4-4,2 tỷ đồng, tương đương bình quân 57-60 triệu đồng/m2. Theo lời môi giới, mức giá này “mềm” nhất so với các chung cư cùng khu vực.
Được biết, dự án nhà ở xã hội Đại Kim mở bán từ năm 2016 với giá hơn 14 triệu đồng/m2. Dự án được bàn giao từ cuối năm 2017 và đã đưa vào sử dụng được hơn 7 năm.
1,5 tỷ đồng/căn là đắt hay rẻ?
Gần 8 năm làm việc tại Hà Nội, tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng, anh Nguyễn Quốc Cường (quê Hà Nam) cho rằng mức giá gần 1,5 tỷ đồng vẫn là rất “chát” với những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng.
“Với mức giá 1,5 tỷ đồng, nếu muốn mua nhà, tôi sẽ phải vay gần 900 triệu đồng. Bỏ qua quy trình vay hiện tại được ví như "leo cột mỡ", thì với lãi suất hiện tại, tôi sẽ phải trả khoảng 150 triệu đồng/năm (gốc và lãi). Kinh tế khó khăn, chi tiêu đội lên, đây thực sự là bài toán khó”, anh Cường chia sẻ.
Người dân thì rõ ràng luôn mong giá nhà, đặc biệt là giá nhà ở xã hội có thể giảm thêm, tuy nhiên, theo chuyên gia, với đà gia tăng của vật giá, chi phí xây dựng, đất nền, thủ tục pháp lý kéo dài… thì mức giá 1,5 tỷ đồng/căn đã là bình dân, hoặc ít nhất cũng là chấp nhận được.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành khẳng định, với chi phí đầu vào cao như hiện tại, đừng nói đến mức giá 20 triệu đồng/m2, muốn có nhà ở xã hội ở tầm giá 25 triệu đồng/m2, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về quỹ đất và cơ chế.
Thực tế, theo ông Nghĩa, làm nhà ở xã hội chỉ lãi trên dưới 10% nhưng thời gian có thể kéo dài tới 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Do đó, nếu không có nhiều tâm huyết thì các doanh nghiệp sẽ không làm, chưa kể còn nhiều rào cản chưa thể tìm lối thoát.
Bên cạnh những thông tin không mấy vui vẻ về đà leo thang của giá bán, thị trường nhà ở xã hội cũng có không ít tin tích cực. Loạt ông lớn như Vingroup, HUD hay Hoàng Quân… đều đang tích cực tham gia vào làm nhà ở xã hội, hứa hẹn đẩy nguồn cung tăng mạnh.
Điển hình, khi tham gia hội nghị toàn quốc về tháo gỡ phát triển nhà xã hội vào thượng tuần tháng 3 vừa qua, đại diện Vingroup cho biết tập đoàn này đăng ký xây 500.000 căn nhà xã hội trong 5 năm, bằng một nửa đề án xây một triệu căn Thủ tướng giao đến năm 2030.
Không riêng Vinhomes, nhiều doanh nghiệp cũng cam kết hoàn thành số lượng lớn nhà xã hội. Điển hình, tập đoàn Hoàng Quân đã đăng ký thực hiện 50.000 căn.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng xác định từ nay đến năm 2026 triển khai 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong khi đó, Viglacera đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội với số căn hộ là 17.200, đã bàn giao 5.500 căn đi vào sử dụng tại Hà Nội.
Việc hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thể hiện tham vọng lớn, nguồn cung nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ “như nấm sau mưa” trong thời gian tới. Riêng trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đang đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn.
Hưng Nguyên-Link gốc