Tổng thống Trump đã miễn thuế có chọn lọc với hàng hóa Trung Quốc cho thấy rằng, mọi kịch bản tương tự với các quốc gia đều có thể xảy ra.

Ông Trump đã miễn thuế cho danh mục 20 sản phẩm từ Trung Quốc (Ảnh Hindustan Time)
Cho dù thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc đã lên tới 145%, nhưng Nhà Trắng đã bất ngờ “xuống thang” với một số mặt hàng như điện thoại, máy tính, chất bán dẫn, pin mặt trời, màn hình TV, ổ đĩa flash và thẻ nhớ,… với tổng cộng 20 danh mục sản phẩm.
Lý do miễn trừ thuế được đưa ra - ông Trump muốn đảm bảo rằng các công ty có thời gian để chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ. Đây là một trong những động thái trực tiếp cứu vãn cho Apple - công ty sản xuất phần lớn các sản phẩm của mình tại Trung Quốc.
Ngay từ đầu, thuế quan như bóng mây bao phủ lĩnh vực công nghệ. Trong những ngày kể từ thông báo áp thuế của ông Trump, Apple đã mất hơn 640 tỷ đô la Mỹ giá trị thị trường. Theo một số ước tính, chi phí cho một chiếc iPhone theo kế hoạch áp thuế ngày 2/4 có thể tăng vọt lên tới 3.500 đô la Mỹ.
Thị trường chứng khoán trải qua một tuần “đỏ sàn” lịch sử. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt hơn 50 điểm cơ bản trong tuần. Điều đó đã buộc Nhà Trắng phải đưa ra một số biện pháp đảo ngược, bao gồm việc hoãn thuế quan trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia để chuyển sang mức thuế chung 10%.
Một số nguồn tin tiết lộ, giới lãnh đạo các tập đoàn công nghệ đã tích cực vận động hành lang, gây áp lực lớn lên chính sách thuế của Hoa Kỳ, và dĩ nhiên, Tổng thống Trump không còn cách nào khác phải tuân theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Sự đảo ngược này cho thấy gì? Liệu có thể là “gót chân Archilles” của Washington mà các quốc gia có thể lấy đó làm đòn bẩy đàm phán? Điểm đặc trưng cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump đó là “kinh tế”, “thuế quan” và “đàm phán”.
Ông Trump là một trong những Tổng thống hiếm hoi của Hoa Kỳ công khai tập hợp xung quanh mình nhiều ông chủ doanh nghiệp. Mọi chính sách đều có sự tham gia tiếng nói của doanh nghiệp, thị trường.
Tỷ phú Elon Musk, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer là những người chủ trương đàm phán. Riêng Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, là Giáo sư kinh tế xuất thân từ Havard - người thiên về phương pháp áp chế triệt để đối tác bằng thuế quan.
Giữa đại diện cho nền kinh tế Hoa Kỳ là ông Musk và một bên là người nắm giữ lý thuyết kinh tế Peter Navarro xảy ra tranh cãi nảy lửa! Ông Peter Navarro cho rằng “Elon Musk chỉ “lắp ráp xe”, không phải sản xuất xe tại Mỹ và không am hiểu chính sách thuế”.
CEO Tesla ám chỉ “mọi cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ đều có bóng dáng của những người đến từ Havard!”; “thiếu kinh nghiệm thực tế và thiên về lý thuyết”. Musk còn cho rằng việc ông Navarro có bằng Tiến sĩ kinh tế từ Đại học Harvard thật ra là “điều tệ chứ không phải điều tốt” và “khiến cái tôi lớn hơn năng lực thực tế”.
.jpg)
Apple và nhiều công ty công nghệ đã vận động hành lang để được miễn thuế (Ảnh The New York Time)
Sự mâu thuẫn này cho thấy ngay trong nội các Hoa Kỳ cũng chia làm hai phe, nhưng chủ trương đàm phán vẫn là luồng quan điểm chủ đạo. Cuối cùng, ông Trump đã hành động theo các “phản hồi” không thể chối cãi của thị trường.
Tất yếu, với tất cả hàng hóa được bán tại thị trường Hoa Kỳ đều đáp ứng đòi hỏi khách quan và mọi đối tác thương mại đã là mảnh ghép hoàn hảo giúp nền kinh tế Hoa Kỳ hoạt động trơn tru. Việc hoãn thuế là xác đáng, cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi bờ vực sụp đổ.
Trương Khắc Trà-Link gốc