• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.207,07 -12,05/-0,99%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.207,07   -12,05/-0,99%  |   HNX-INDEX   211,47   -1,63/-0,76%  |   UPCOM-INDEX   90,90   -0,40/-0,44%  |   VN30   1.294,29   -11,95/-0,91%  |   HNX30   420,99   -1,73/-0,41%
22 Tháng Tư 2025 12:10:29 SA - Mở cửa
Mỹ - Trung không khoan nhượng: DN oằn mình giữa tâm bão thuế quan
Nguồn tin: VietNam Finance | 17/04/2025 11:12:53 SA

 Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp thuế 145 - 245% với 1 số hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Mỹ. Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung đang trượt sâu vào vòng xoáy leo thang thương mại, các doanh nghiệp ở hai bờ Thái Bình Dương đang oằn mình gánh chịu hậu quả.

DN Mỹ hụt hơi vì giá thành leo thang, chuỗi cung ứng đứt gãy

"Chúng tôi không thể chịu nổi chi phí này thêm nữa". Đó là lời than thở của ông Rick Woldenberg, CEO của công ty sản xuất đồ chơi giáo dục Learning Resources, khi nhận định chi phí thuế nhập khẩu của doanh nghiệp này sẽ tăng từ 2,3 triệu USD lên hơn 100 triệu USD trong năm 2025 nếu thuế 145 - 245% có hiệu lực lâu dài, theo AP News.

Không riêng gì Learning Resources, nhiều doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nguyên vật liệu, linh kiện hoặc hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc đang bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mức thuế cao giữa Mỹ - Trung không chỉ đội giá thành mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất trong nước trở nên đắt đỏ, thiếu hiệu quả và đặc biệt là khó mở rộng.

Trong một báo cáo của Wired ngày 14/4, hàng loạt thương hiệu nhỏ trong ngành công nghiệp giải trí nhạy cảm như: Dame, Unbound, hay Vibratex – đang vật lộn để tồn tại. Những sản phẩm vốn được sản xuất với chi phí thấp tại Trung Quốc, nay trở nên quá đắt đỏ.

Đại diện một thương hiệu chia sẻ: “Chúng tôi không thể tìm được nhà cung cấp linh kiện tương đương trong nước. Việc sản xuất tại Mỹ vượt ngoài khả năng tài chính của chúng tôi”.

Đối với các doanh nghiệp lớn hơn, một số đã chủ động điều chỉnh chuỗi cung ứng. David’s Bridal – nhà sản xuất váy cưới hàng đầu tại Mỹ đã giảm tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc từ hơn 50% xuống còn khoảng 30%, chuyển sản xuất sang Sri Lanka và Ấn Độ.

Trả lời theo bài phỏng vấn Business Insider ngày 12/4, CEO Jim Marcum thừa nhận: “Bạn không thể dễ dàng thay thế một hệ sinh thái sản xuất như Trung Quốc được. Tốc độ, sự linh hoạt và chi phí ở đó vẫn là lợi thế lớn”.

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump kỳ vọng các mức thuế sẽ thúc đẩy doanh nghiệp “hồi hương sản xuất” trở lại Mỹ, thì thực tế cho thấy điều này không hề dễ dàng.

Wired chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ không có năng lực tài chính, công nghệ và nhân lực để thiết lập sản xuất nội địa. Còn các tập đoàn lớn thì dù có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng quá trình này cần thời gian và tiềm lực đáng kể.

DN Trung Quốc: Mất thị trường chủ lực, loay hoay tìm lối thoát

Với mức thuế 145 - 245% từ phía Mỹ, Trung Quốc cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ngày 11/4, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố áp thuế 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm hàng tiêu dùng, ô tô, máy móc và cả nông sản.

Goldman Sachs trong báo cáo phân tích trên Finance Yahoo ngày 12/4 ước tính hàng triệu lao động Trung Quốc có thể mất việc làm, đặc biệt trong các ngành sản xuất xuất khẩu. Mỹ vẫn là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, với tổng giá trị hàng hóa xuất sang Mỹ năm 2024 đạt hơn 580 tỷ USD. Mức thuế mới khiến hàng Trung Quốc gần như mất khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Tờ The Times ngày 14/4 cho biết Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu toàn bộ các dòng máy bay dân dụng của Boeing, một động thái mang tính chất trừng phạt đối với nhà sản xuất biểu tượng của Mỹ.

Các hợp đồng mua bán với Air China, China Eastern và China Southern đều đã bị đình chỉ vô thời hạn. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho Boeing mà còn cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc siết lại hợp tác chiến lược với Mỹ.

Để giảm thiểu rủi ro, Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á, Trung Đông và Mỹ Latin là các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ. Song song đó, nước này cũng đẩy mạnh đầu tư nội địa vào các ngành công nghiệp chiến lược, như sản xuất pin, năng lượng sạch, và chip xử lý cơ bản – nhằm từng bước giảm sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ và thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, quá trình này không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nhiều chuyên gia nhận định rằng các ngành tiêu dùng như điện tử, dệt may, và đồ gia dụng – vốn là thế mạnh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ sẽ khó tìm được thị trường thay thế tương đương về quy mô và sức mua.

Ở chiều ngược lại, việc Mỹ tiếp tục siết kiểm soát xuất khẩu chip AI cũng khiến doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc chịu sức ép.

Investopedia ngày 15/4 dẫn số liệu cho thấy các lệnh hạn chế đối với chip H20 của Nvidia đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nghiên cứu và vận hành của những tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent và ByteDance.

Trong khi đó, Mỹ lại đang đổ hàng trăm tỷ USD để phát triển ngành công nghệ trong nước – riêng Nvidia công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào siêu máy tính AI từ nay đến 2029.

Mỹ - Trung không khoan nhượng, thương mại toàn cầu thiệt kép

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang dịch chuyển từ thương mại thuần túy sang cạnh tranh cấu trúc giữa hai mô hình phát triển. Dù chính sách thuế được thiết kế nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa, nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại khi cả hai bên đều chịu tổn thất.

Trong một nhận định đăng trên Investopedia ngày 15/4, chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Kleintop cảnh báo: “Chiến tranh thuế quan là một vết thương kinh tế tự gây ra, không bên nào thắng cuộc”. Tình trạng giá cả leo thang, giảm tiêu dùng, giảm đầu tư tư nhân và lạm phát tiềm ẩn đang phủ bóng đen lên cả hai nền kinh tế.

Khi các mức thuế Mỹ - Trung vượt quá 100% và bước vào vùng "phi kinh tế", hậu quả không chỉ nằm ở con số thương mại, mà còn đe dọa sự ổn định cấu trúc của nền sản xuất toàn cầu. Nếu không sớm có một lộ trình đàm phán lại, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục là bên gánh chịu chi phí của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.

Hải Lâm-Link gốc