• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.223,35 +12,35/+1,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.223,35   +12,35/+1,02%  |   HNX-INDEX   211,07   -0,38/-0,18%  |   UPCOM-INDEX   91,83   +0,37/+0,40%  |   VN30   1.311,66   +8,62/+0,66%  |   HNX30   414,97   -1,51/-0,36%
24 Tháng Tư 2025 6:33:49 CH - Mở cửa
‘Kích hoạt’ sức mua nên tránh ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 24/04/2025 8:58:34 SA

Điều mong đợi của các doanh nghiệp nội địa trong lúc này là có những giải pháp đồng bộ nhằm “kích hoạt” sức mua để khơi thông đầu ra. Nhất là trong khâu chính sách và quản lý cần tránh xảy ra trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để niềm tin người tiêu dùng đối với hoạt động mua sắm không phải lung lay.

Trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế quý 2/2025, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) có lưu ý cuộc chiến thuế quan tác động tiêu cực đến thị trường lao động và tiêu dùng trong nước.

Phải giảm thất nghiệp, mở rộng ngành hàng giảm thuế VAT

Cụ thể, thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đáng kể do sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp (DN) FDI đóng góp tới 35% tỷ lệ việc làm, con số thực tế có thể còn cao hơn do hoạt động sản xuất còn lan tỏa đến các DN trong nước.

Để “kích hoạt” sức mua đang cần các cơ quan quản lý và khâu chính sách củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hoạt động mua sắm.

Thêm vào đó, theo KBSV, có 54% việc làm trong nước phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Do vậy, việc dòng vốn FDI và xuất khẩu giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động của Việt Nam, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ như máy móc thiết bị điện, dệt may và gỗ…

“Sự suy giảm này không chỉ gây áp lực lên việc làm mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng, vốn chưa hồi phục hoàn toàn”, phía KBSV nhận định.

Và để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tiêu dùng trong nước đang cần những giải pháp kịp thời từ khâu chính sách.

Theo đó, một trong những biện pháp hiệu quả nhất là cần giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp, số người có việc làm tăng sẽ làm tăng chi tiêu. Muốn làm được điều đó thì trong quản lý và trong khâu chính sách cần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN trong sản xuất kinh doanh. Còn nếu như để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên thì nhu cầu chính của người tiêu dùng sẽ là những mặt hàng thiết yếu, còn những hàng hóa khác dù có giảm giá mạnh cũng sẽ khó bán.

Hoặc như tại tại phiên họp hôm 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được nêu rõ trong dự thảo nghị quyết). Thời gian áp dụng giảm thuế VAT 2% từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Tuy vậy, qua trao đổi với VnBusiness, nhiều DN vẫn mong việc áp dụng giảm thuế VAT nên thực hiện sớm hơn để “kích hoạt” sức mua thay vì phải chờ đến tháng 7/2025, đồng thời nên mở rộng đối tượng ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế suất.

Xét về danh mục hàng hóa cụ thể để giảm thuế VAT, cần nhắc lại hồi thượng tuần tháng 4/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề xuất cân nhắc cho phép giảm thuế VAT với sản phẩm kim loại. Lý do là vì sản phẩm kim loại đóng vai trò quan trọng khi là đầu vào sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu, từ đồ gia dụng đến vật liệu xây dựng, phục vụ cho các ngành công nghiệp, xây dựng và cho mục đích tiêu dùng.

Do đó, việc không giảm thuế VAT với mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, xây dựng và mục tiêu kích cầu tiêu dùng. Hơn nữa, các sản phẩm khoáng sản như than cũng thuộc diện giảm thuế, nên không rõ lý do lại loại trừ các sản phẩm này.

Ngoài ra, theo VCCI, việc phân loại rắc rối và khó khăn. Như phản ánh của DN, việc phân loại sản phẩm kim loại (10%) với sản phẩm phi kim (8%) hoặc sản phẩm được sản xuất, gia công từ kim loại (8%) trong nhiều trường hợp là khó khăn.

Khó khăn do đặc tính lý hoá của sản phẩm trong từng trường hợp cụ thể khác nhau hoặc do các cơ quan (hải quan/thuế) có quan điểm khác nhau, dù đã trải qua 5 năm thực hiện chính sách này. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước chỉ giải đáp chung, mang tính tham khảo mà không thể làm căn cứ thực thi. Việc này gây ra rủi ro bị truy thu thuế với DN trong tương lai.

Xét về bất cập trong giảm thuế VAT để “kích hoạt” sức mua, cũng nên nhắc lại những băn khoăn của các DN hồi năm rồi khi họ gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%.

Không để người tiêu dùng lung lay niềm tin

Nhiều DN từng bày tỏ là họ đã gặp khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10%, gây nhiều chi phí và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đã phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hoá đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.

Không ít DN đã phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

Ngoài vấn đề nêu trên, để kích hoạt sức mua trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay còn cần các chính sách khác như thúc đẩy du lịch, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy đầu tư công...Và những chính sách này cũng nên có sự đồng điệu hơn, tránh chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Chẳng hạn như tầm quan trọng của thúc đẩy du lịch đối với việc cải thiện sức mua. Hồi quý 1/2025, theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.708.252 tỷ đồng (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024) thì nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống đã tăng từ 12,5 đến 18,3%. 

Trong quý 1/2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý I/2024. Điều này đã đóng góp tích cực vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Tuy vậy, cùng với thành tích tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch Việt Nam thì lại đang nổi lên các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội đang gây tổn hại cho ngành này và cho cả việc kích hoạt sức mua.

Nhất là trong không khí đón kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè 2025, như cảnh báo của Ts. Daisy Kanagasapapathy, chuyên gia ngành quản trị du lịch và khách sạn, ẩn sau câu chuyện thành công của ngành du lịch Việt đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ là mối đe dọa kỹ thuật số – nạn lừa đảo du lịch trực tuyến đang gia tăng.

Theo Ts. Kanagasapapathy, các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã trở thành mảnh đất màu mỡ của quảng cáo lưu trú giả mạo, đại lý du lịch không có thật và các ưu đãi “siêu hời” khó tin. Đối với những du khách nhẹ dạ cả tin, các chiêu trò không chỉ hủy hoại kế hoạch đi nghỉ mà còn khiến họ bị tổn thất về tài chính và mất lòng tin vào ngành du lịch Việt Nam.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc bảo vệ danh tiếng ngành du lịch của Việt Nam đòi hỏi nỗ lực từ các nền tảng công nghệ, cơ quan quản lý và phía DN. Mặc dù có thể không xóa bỏ hoàn toàn các vụ lừa đảo trực tuyến, nhưng với nỗ lực phối hợp hành động, quy định chặt chẽ hơn thì tần suất các vụ lừa đảo có thể giảm đáng kể.

Thực ra, sẽ còn nhiều vấn đề khác cần mổ xẻ để “kích hoạt” sức mua. Nhưng trước tiên, khâu chính sách và các cơ quan quản lý cần phải làm gương, tránh xảy đến trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì mới góp phần giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động mua sắm.

Thế Vinh-Link gốc