Các quan chức cấp cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những cảnh báo về tác động của chính sách thuế quan lên nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là triển vọng lạm phát và thị trường lao động.

Người dân mua sắm tại một chợ tại Chicago, Illinois, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Alberto Musalem, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, nhấn mạnh áp lực tiêu cực lên hoạt động kinh tế và việc làm, đồng thời phân tích các kịch bản lạm phát tiềm năng. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, và các đồng nghiệp lại ủng hộ một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng và kiên nhẫn, với lý do mức độ không chắc chắn cao và sự cần thiết phải theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế.
Sức ép lên nền kinh tế
Trong phát biểu ngày 20/5, ông Musalem cảnh báo chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây sức ép lên kinh tế Mỹ và làm suy yếu thị trường lao động.
Theo ông Musalem, ngay cả khi căng thẳng thương mại có phần dịu bớt sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố giảm đáng kể thuế quan trong 90 ngày để đàm phán một thỏa thuận thương mại chính sách thuế vẫn có tác động đáng kể đến triển vọng kinh tế trong ngắn hạn. Ông khẳng định rằng, nhìn chung, thuế quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và dẫn đến sự suy giảm thêm của thị trường lao động.
Về mặt chính sách tiền tệ, ông Musalem cho rằng chính sách hiện tại đang ở vị thế tốt để ứng phó với bất kỳ thay đổi nào trong triển vọng kinh tế và nhấn mạnh sự cần thiết của việc theo dõi sát sao triển vọng lạm phát. Ông tin rằng Fed có thể đưa ra phản hồi cân bằng đối với cả lạm phát và việc làm, miễn là kỳ vọng của người dân Mỹ về giá cả trong tương lai vẫn được neo ở mục tiêu 2% của Fed. Do đó, ông khẳng định đây là thời điểm quan trọng để duy trì niềm tin của người dân về việc Fed tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.
Ông Musalem cũng nêu ra các kịch bản về lạm phát. Nếu các cuộc đàm phán thương mại thành công và thuế quan giảm, nền kinh tế có thể duy trì gần với quỹ đạo trước đây, và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt về mức 2%. Tuy nhiên, nếu lạm phát chỉ tạm thời cao hơn, dù Fed có thể hỗ trợ thị trường lao động, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro.
Ông Musalem nhấn mạnh rằng chính sách nên ưu tiên ổn định giá cả trước sức ép lạm phát dai dẳng, vì điều này có nguy cơ làm đảo lộn kỳ vọng lạm phát dài hạn. Theo ông, kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể sẽ đẩy giá cả tăng cao hơn bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm giảm leo thang các cuộc chiến thương mại.
Các thỏa thuận gần đây nhằm giảm thuế quan đối với Trung Quốc và Anh cho thấy Chính phủ Mỹ đang muốn đàm phán các thỏa thuận để giảm rào cản thương mại và làm dịu thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó có thể không đủ để ngăn các doanh nghiệp tăng giá.
Ông Musalem cho biết sức ép giá cả dường như đang gia tăng khi nhiều công ty đang áp đặt phí phụ thu để bù đắp chi phí thuế quan cao hơn. Dữ liệu khảo sát gần đây cũng cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng giá trong sáu tháng tới, và người tiêu dùng đang tăng dự đoán lạm phát.
Mặc dù có những lo ngại, ông Musalem nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững mạnh. Bất chấp các cuộc khảo sát cho thấy số doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư và tuyển dụng giảm, các điều kiện tài chính như cho vay ngân hàng vẫn duy trì sự hỗ trợ. Sức mạnh cơ bản của kinh tế Mỹ với một thị trường lao động bền bỉ và lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu dài hạn 2% của Fed cho thấy mức lãi suất hiện tại là phù hợp.
Những quan điểm đa chiều
Cùng ngày 20/5, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, đã chia sẻ quan điểm về tình hình thị trường. Ông cho rằng biến động của thị trường trái phiếu có thể làm tăng thêm mức độ không chắc chắn vốn đã cao. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hoạt động của thị trường hiện nay vẫn không phải là mối đe dọa.
Với nhiều điều không chắc chắn hiện nay, ông Bostic bày tỏ sự hài lòng với lập trường chính sách hiện tại của Fed và cảnh báo rằng nếu tình hình gia tăng bất ổn, thời gian để nền kinh tế trở lại ổn định sẽ bị kéo dài ra.

Đồng đôla Mỹ tại văn phòng giao dịch ngoại hối ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Fed đã giữ nguyên lãi suất trong năm nay để theo dõi phản ứng của nền kinh tế với các chính sách mới về thương mại, quy định, thuế và nhập cư. Ông Bostic cho rằng Fed nên kiên nhẫn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về lãi suất, cho đến khi nắm rõ liệu cú sốc lạm phát sẽ thoáng qua hay dai dẳng hơn. Theo ông, nhiều tác động của thuế quan cho đến nay chưa được thể hiện trong các con số.
Ông dự đoán Fed sẽ phải chờ lâu hơn để làm rõ hướng đi của nền kinh tế và thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất, đồng thời khẳng định hành động tốt nhất là chờ đợi và xem xét kỹ lưỡng dữ liệu.
Quan điểm này được chia sẻ bởi bà Beth Hammack, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, và bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, những người cũng cho rằng nên chờ xem diễn biến của nền kinh tế trước khi đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, có những quan điểm khác biệt. Ông Stephen Miran, người chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, đã bác bỏ ý kiến cho rằng chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát.
Theo ông Miran, việc áp thuế hàng nhập khẩu chưa có tác động thực sự có ý nghĩa đến tỷ lệ lạm phát, khi các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng gần đây đều thấp hơn dự kiến. Dù vậy, các quan chức Fed và các nhà phân tích nhận định tác động vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trong toàn bộ nền kinh tế.
Thực tế, Tập đoàn bán lẻ Walmart tuần trước đã cho biết giá cả đang tăng lên. Ông Doug McMillon, Giám đốc điều hành Walmart, cho biết ngay cả khi mức thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc giảm xuống 30%, giá cả vẫn sẽ cao hơn.
Tâm lý chờ đợi của các quan chức Fed có thể sẽ kéo dài. Fed đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 4,25-4,5% kể từ tháng Mười Hai, nhưng cho biết sẽ vẫn khó phán đoán hướng đi của nền kinh tế cho đến khi vấn đề thuế quan và các chính sách khác được giải quyết ổn thỏa.
Trà My-Link gốc