Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nếu tiền số stablecoin được chấp nhận rộng rãi sẽ tác động mạnh đến hoạt động gửi tiền và tín dụng, làm chao đảo hệ thống ngân hàng.
Tiền số stablecoin có thể phá vỡ trật tự hệ thống tài chính
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành đạo luật Genius Act, đánh dấu khung pháp lý đầu tiên nhằm điều chỉnh hoạt động của stablecoin. Đây là loại tài sản kỹ thuật số có giá trị gắn liền với các đồng tiền quốc gia như đồng USD.
Khác với các loại tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum vốn có giá trị lên xuống bất thường, không gắn với tài sản nào, stablecoin được thiết kế để luôn giữ giá trị ổn định theo đồng USD, hướng tới việc trở thành "đồng USD kỹ thuật số". Stablecoin ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giao dịch tiền điện tử và thanh toán quốc tế.
Nhiều người có lý do để "ưu ái" stablecoin: chuyển tiền ra nước ngoài nhanh hơn, rẻ hơn, có thể giao dịch 24/7 và tránh được những rắc rối trong hệ thống nhắn tin liên ngân hàng lạc hậu.
Không dừng ở công cụ thanh toán số mà stablecoin đang dần lấn sân và có nguy cơ phá vỡ trật tự vốn có của hệ thống tài chính, khi hút tiền gửi khỏi các ngân hàng truyền thống và làm lung lay nền tảng hoạt động tín dụng.
Stablecoin hiện được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch tiền mã hóa. Nhưng khi khung pháp lý rõ ràng hơn, stablecoin sẽ được dùng rộng rãi trong thanh toán xuyên biên giới, chuyển tiền và các dịch vụ tài chính, có thể nhanh hơn và rẻ hơn đáng kể so với hệ thống hiện tại. Đây chính là điều khiến các ngân hàng lo ngại.

Ông Trump ký ban hành khung pháp lý đầu tiên cho stablecoin.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo tiền số stablecoin có nguy cơ làm chao đảo hệ thống tài chính, tác động mạnh đến hoạt động gửi tiền và tín dụng.
Một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra rằng nếu stablecoin được chấp nhận rộng rãi thì hệ thống ngân hàng có thể chứng kiến dòng tiền gửi chảy ra với quy mô lên tới 6.600 tỷ USD, có thể làm chao đảo thị trường tài chính.
Khi khách hàng rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng để nắm giữ stablecoin thì năng lực cho vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, người tiêu dùng có thể chuyển thẳng thu nhập của mình vào ví kỹ thuật số, chi tiêu và tiết kiệm bằng stablecoin mà không cần tới ngân hàng truyền thống.
Dù dự luật Genius Act cấm các nhà phát hành stablecoin trực tiếp trả lãi hoặc lợi suất cho người nắm giữ nhưng các kẽ hở vẫn có khả năng tồn tại. Các công ty có thể "lách luật" bằng cách hợp tác với các sàn giao dịch như Coinbase để đưa ra các chương trình "thưởng".
Điều này khiến stablecoin không khác gì một loại tài khoản tiết kiệm sinh lời, lại không bị kiểm soát chặt như ngân hàng.
Một điểm nữa là trong khi các ngân hàng bị ràng buộc bởi hàng loạt quy định về thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi và dự trữ bắt buộc thì các công ty phát hành stablecoin chưa chịu cùng cấp độ giám sát.
Tuy nhiên, làn sóng "phi ngân hàng hóa" tài sản người tiêu dùng có thể dẫn đến sự tập trung tiền gửi vào các tổ chức phát hành stablecoin không được bảo hiểm, làm gia tăng rủi ro hệ thống trong những thời điểm khủng hoảng tài chính.
Một số nghị sĩ đảng Dân chủ và các nhóm phản đối cảnh báo rằng đạo luật Genius Act còn lỏng lẻo, chưa đủ mạnh để kiểm soát các rủi ro tiềm tàng.
Họ cho rằng cần bổ sung quy định cấm các tập đoàn công nghệ lớn phát hành stablecoin riêng, nhằm hạn chế sự tập trung quyền lực. Đồng thời, đạo luật cũng cần siết chặt các quy định chống rửa tiền và ngăn chặn các tổ chức nước ngoài phát hành stablecoin tại Mỹ.
Đua phát hành tiền số
Sự cởi mở chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy nhiều công ty tiền điện tử Mỹ đẩy nhanh quá trình mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng. Không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản số, các doanh nghiệp này còn chủ động tìm cách hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính chính thức.
Các doanh nghiệp lớn như Ripple, Circle và BitGo đã nộp đơn xin cấp giấy phép ngân hàng tín thác quốc gia, cho phép họ thực hiện các dịch vụ tài chính như lưu ký tài sản và xử lý thanh toán.

Các stablecoin, loại tiền mã hóa được gắn với đồng USD. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Theo tờ Wall Street Journal, các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon hay Walmart cũng đang xem xét phát hành stablecoin riêng.
Cùng với sự mở rộng từ phía công ty công nghệ, các ngân hàng truyền thống cũng bắt đầu tham gia cuộc chơi. Bank of America đang xem xét phát hành stablecoin riêng sau khi khung pháp lý chính thức được hoàn thiện.
Một số quốc gia đang cố gắng phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Việc này sẽ cho phép công chúng tiếp cận tiền ngân hàng trung ương an toàn dưới dạng kỹ thuật số và có thể ngăn chặn làn sóng đô la hóa. Nhưng những dự án này chỉ mới đạt được thành công hạn chế.
Song Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo rằng, sự gia tăng không kiểm soát của stablecoin có thể đe dọa niềm tin của công chúng vào tiền tệ, gây nguy hiểm cho tính chủ quyền của tiền tệ và có khả năng gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính.
Các nhà hoạch định chính sách khuyến cáo, stablecoin có thể hoạt động như một kênh dẫn đến các hoạt động bất hợp pháp.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ông Yanis Varoufakis, cảnh báo: stablecoin có thể là “ngòi nổ” cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Vì các công ty phát hành stablecoin có thể bị cám dỗ phát hành nhiều tiền hơn số USD thật mà họ đang giữ. Vì họ gửi phần lớn số USD đó trong các ngân hàng nên nếu xảy ra tình trạng người dân rút tiền hàng loạt thì không chỉ ngân hàng gặp khó mà cả stablecoin cũng sẽ bị rút ồ ạt, tạo ra hiệu ứng domino, lan ra toàn hệ thống.
Sự trỗi dậy của stablecoin cho thấy vai trò trung gian của ngân hàng đang bị thử thách nghiêm trọng. Khi công nghệ và thị trường dịch chuyển nhanh chóng, các ngân hàng buộc phải thích nghi, sáng tạo và khẳng định giá trị của mình, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tiền tệ.
Link gốc