Tóm tắt:
|
Sau khi sụt giảm mạnh trong quý 3, nền kinh tế Việt Nam bước đầu khởi sắc trở lại trong tháng 10 do các tỉnh đã dần nới lỏng giãn cách xã hội và việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh. Cụ thể, trong tháng 10, sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ, tiêu dùng thu hẹp đà giảm mặc dù vẫn chưa hồi phục so với cùng kì, giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc so với tháng trước đó, thu hút vốn FDI vẫn giữ mức tăng trưởng hai chữ số, cán cân thương mại chuyển sang thặng dư tháng thứ 2 liên tiếp. Thêm vào đó, lạm phát và tỷ giá vẫn duy trì ổn định trong 10 tháng đầu năm.
Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 đạt 2,3% trong kịch bản nền kinh tế dần tăng tốc vào giữa tháng 10, nhờ vào đầu tư công và dòng vốn FDI là động lực tăng trưởng chính và được đẩy mạnh khi nền kinh tế mở cửa vào các tháng cuối năm 2021.
Một số trở ngại cho sự hồi phục kinh tế bao gồm: 1) khả năng thiếu hụt lao động sau giai đoạn cách ly xã hội kéo dài; 2) việc triển khai tiêm vắc xin của Việt Nam chậm hơn kỳ vọng; 3) khả năng tăng số ca nhiễm cộng đồng khi nới lỏng giãn cách xã hội.
GDP 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7-6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công, theo ước tính của chúng tôi. Các động lực tăng trưởng chính bao gồm: 1) Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; 2) đầu tư công được đẩy mạnh; 3) xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
|