Tóm tắt:
|
KQKD QUÝ 3 GẦN KỀ, CĂNG BUỒM ĐÓN SÓNG
• Chứng khoán thế giới quay lại vùng đỉnh bất chấp thị trường Trung Quốc vừa có tuần biến động mạnh. Ngoài thị trường Mỹ tiếp tục lập đỉnh cao mới, các thị trường lớn khác cũng đóng vai trò là lực đẩy cho chứng khoán thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, …
• Các thống kê về thị trường việc làm đang giữ một vai trò quan trọng trong việc quyết định các bước đi chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thậm chí quan trọng hơn cả số liệu lạm phát. Đó là bởi lạm phát đã giảm khá gần về mục tiêu 2% của Fed, và ngân hàng trung ương này đang chuyển hướng sang tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ công ăn việc làm.
• Thị trường trong nưóc một lần nữa áp sát vùng đỉnh 1.290 – 1.300 điểm, chốt tuần ở mức 1.288,39 điểm, tăng +17,79 điểm, tương đương tăng + 1,4% so với tuần trước. Mức tăng chủ yếu tập trung ở nhóm Vn30 khi chỉ số này có thêm +2% giá trị, trong khi Midcap và Smallcap chỉ có mức tăng bằng thị trường, lần lượt 1,4% và 1,5%. Các nhóm cổ phiếu nổi bật trong tuần vừa qua và 1 tháng trở lại đây tập trung ở: Viettel, Công nghệ, Xây dựng và VLXD, …
• Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua còn 17.023 tỷ đồng, giảm -17,9% so với tuần trước đó, đây cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp và là mức thấp nhất 4 tuần vừa qua. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 10 đạt 18.961 tỷ đồng, tăng +6,9% so với tháng 8 và tăng +12,2% svck. Lũy kế từ đầu năm đạt 22.673 tỷ đồng, tăng +29,4% so với năm 2023.
• Chỉ số Vn-Index nhiều khả năng tiếp tục dao động ở vùng đỉnh 1.290 – 1.300 điểm khi thị trường bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung ở nhóm cổ phiếu Vn30 khi chỉ số này đã kết thúc nhịp điều chỉnh và đang bước vào nhịp tăng mới. Sau 4 phiên tăng liên tiếp và tạo đáy thứ 3, xác suất để chỉ số Vn-Index giảm mạnh là thấp, các nhịp điều chỉnh sẽ có thanh khoản thấp và là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục. Vùng hỗ trợ cho thị trường hiện ở vùng 1.278 - 1.280 điểm.
|