Về cơ bản, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với HPG và HSG. Tuy nhiên, không loại trừ rủi ro trong ngắn hạn đối với biến động giá của các cổ phiếu này khi áp lực bán có vẻ sẽ gia tăng do các quỹ cơ cấu danh mục
Nửa đầu năm 2015, sản lượng tiêu thụ thép cả nước đã đạt các mức tăng trưởng khá ấn tượng chủ yếu nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng thép xây dựng tăng 24,4% so với cùng kỳ, đạt hơn 3 triệu tấn và tiêu thụ ống thép tăng 34,7% so với cùng kỳ, đạt gần 665 ngàn tấn. Sản lượng bán hàng của các sản phẩm tôn mạ cũng tăng gần 20% so với cùng kỳ, đạt hơn 790 ngàn tấn trong 5 tháng đầu năm 2015.
Mặc dù vậy, áp lực cạnh tranh đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là không nhỏ. Do vậy, như đã đề cập trong các phân tích trước, chúng tôi cho rằng chỉ các doanh nghiệp đầu ngành như HPG, HSG,... với các lợi thế cạnh tranh về quy mô sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu, mới thật sự có nhiều khả năng hưởng lợi từ những chuyển biến tích cực này của ngành.
Thực tế, HPG và HSG đã đạt được các kết quả kinh doanh ấn tượng trong các tháng đầu năm 2015. Với HSG, ước lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu niên độ tài chính 2014-2015 tăng mạnh 72% so với cùng kỳ, đạt 484 tỷ trong khi doanh thu chỉ tăng hơn 23% so với cùng kỳ, đạt 13.521 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh chính của HPG trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng tăng 23% và 40% so với cùng kỳ.
Nhờ vậy, giá cổ phiếu HPG và HSG đã tăng khoảng 35-40% trong 3 tháng qua, sau giai đoạn giảm giá khá dài trước đó.
Red River Holding đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu HSG từ 29/07-27/08/2015, giảm tỷ lệ sở hữu từ 14,5% xuống 12,5%. Đối với HPG, từ 31/07- 29/08/2015, Private Equity New Markets II K/S đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ nắm giữ từ gần 3% xuống 2,7%. Đồng thời, Quỹ đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 129 ngàn cổ phiếu HPG mà quỹ này đang nắm giữ.
Với mức tăng giá khá đáng kể, việc việc các quỹ đầu tư tài chính đăng ký bán ra các cổ phiếu này là không quá bất ngờ. MBKE cho rằng mục đích bán ra chủ yếu là để cơ cấu danh mục đầu tư. Về cơ bản, MBKE vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với HPG và HSG. Tuy nhiên, không loại trừ rủi ro trong ngắn hạn đối với biến động giá của các cổ phiếu này khi áp lực bán có vẻ sẽ gia tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch 29/07, cổ phiếu HSG giảm giá mạnh (- 6,5%) với khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài gần 489 ngàn cổ phiếu. HPG cũng giảm 2,6%, khối ngoại bán ròng hơn 500 ngàn cổ phiếu.
Bình Minh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.