Tính đến 31/12/2014, tổng nợ vay bằng USD của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã VOS - HOSE) là 167 triệu USD. Do vậy, rủi ro giảm giá của VND cũng là một áp lực đáng kể đối với công ty.
Doanh thu quý II/2015 của VOS giảm 20,9% so với cùng kỳ xuống còn 409,5 tỷ đồng. Theo MBKE, tổng trọng tải giảm do VOS đã thanh lý 2 tàu trong năm 2014 (chiếm khoảng 11% tổng tải trọng của VOS) và giá cước vận tải giảm là các nguyên nhân chính khiến doanh thu trong kỳ sụt giảm.
Tuy nhiên, áp lực chi phí không giảm khiến VOS tiếp tục lỗ ròng. Biên lợi nhuận gộp mỏng, chỉ khoảng 0,5% nên lãi gộp quý II/15 của VOS chỉ đạt vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý/doanh thu cũng tăng nhẹ từ 6,4% trong quý II/2014 lên 6,8% trong quý II/2015. Chi phí tài chính ròng quý II/2015 gần 61 tỷ đồng, trong đó lãi vay (~36 tỷ đồng), giảm 17,3% so với cùng kỳ nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá (~28 tỷ đồng) tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Do vậy, VOS lỗ ròng từ HĐKD chính 87 tỷ đồng trong quý II/2015, cùng kỳ VOS lỗ 77,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ sau thuế quý II/2015 là 83,4 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ khoảng 58 tỷ đồng hồi quý II/2014, do cùng kỳ công ty có thêm 21 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán tàu.
Tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn
Nhắc lại, VOS thoát lỗ trong 2014 chủ yếu nhờ các khoản thu nhập bất thường từ việc thanh lý tàu. Về HĐKD chính, như đã đề cập trong các phân tích trước, ngành vận tải, và đặc biệt là mảng vận tải hàng khô hiện còn đang gặp nhiều khó khăn. Giá cước giảm mạnh theo giá dầu và tình trạng dư cung vẫn là một tồn tại khá lớn. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm 25,2% so với cùng kỳ xuống còn 791,1 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu 2015.
Kết quả lợi nhuận kém tích cực với tổng mức lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 là 187,8 tỷ đồng, so với kế hoạch lỗ 100 tỷ đồng cho năm 2015. Như vậy, tổng mức lỗ luỹ kế của VOS hiện nay đã hơn 345 tỷ đồng. Công ty dự kiến tiếp tục thanh lý 2 tàu nữa trong năm 2015, theo đó có thể kỳ vọng công ty sẽ có thêm khoản thu nhập bất thường để bù đắp cho các khoản lỗ từ HĐKD chính.
Áp lực tỷ giá do khoản vay bằng ngoại tệ lớn
Tính đến 31/12/2014, tổng nợ vay bằng USD của VOS là 167 triệu USD. Do vậy, rủi ro giảm giá của VND cũng là một áp lực đáng kể đối với công ty. Trong 6 tháng đầu năm 2015, do tỷ giá USD/VND tăng 2%, khoản lỗ tỷ giá của VOS đã tăng 55%, lên gần 52 tỷ đồng, chiếm hơn 41% tổng chi phí tài chính của công ty. Gần đây biên độ của tỷ giá USD/VND cũng đã được nới lên mức +/-2%. Do đó, MBKE lưu ý lại áp lực này đối với VOS.
Bình Minh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.