23,58 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thế giới số-Digiworld (DGW) vừa niêm yết trên HoSE liệu có hấp dẫn nhà đầu tư khi ngành bán lẻ thiết bị điện tử của Việt Nam được đánh giá đang có dấu hiệu bão hòa?
Trong 3 năm 2012-2014, Digiworld mã chứng khoán DGW (chuyên phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị di động của hầu hết các nhãn hàng lớn trên thế giới như: Dell, Acer, Asus, Nokia…) có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, với doanh thu tăng trưởng kép 51%, cao hơn 1,3 lần trung bình tham chiếu.
Sáu tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của công ty này đạt 2.092 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ và bằng khoảng 35% kế hoạch năm. Nếu tính theo tăng trưởng lợi nhuận thì LNST 6 tháng đầu năm 2015 của công ty cũng đạt 59,7 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng đều đặn, lần chào sàn này của DGW được nhận định sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Để khẳng định thêm cho giá trị cổ phiếu công ty, trong buổi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Digiworld so sánh: hiện giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 52.000 đồng/cổ phiếu được xem là không cao.
Bởi, cách đây 1 năm, Thế giới di động (MWG) đã đưa cổ phiếu chào sàn lên tới 69.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi MWG niêm yết, thị giá cổ phiếu này đã tăng liên tục. Ông Việt đang kỳ vọng “lịch sử này sẽ lặp lại với DGW”.
Giải tỏa thêm băn khoăn của nhà đầu tư về năng lực cạnh tranh của Digiworld so với các DN lớn cùng ngành, bà Tô Hồng Trang, Phó tổng giám đốc Digiworld cho rằng, khác biệt lớn nhất của Digiworld so với các anh gạo cội trong ngành là DWG có năng lực làm marketing tổng thể cho các hãng và dịch vụ sau bán hàng, điều này mang lại giá trị cho nhà sản xuất.
Đây cũng là mấu chốt giúp cho Digiworld đưa được những sản phẩm mới vào trong thị trường, những sản phẩm mới này thực tế có lợi nhuận cao, đó cũng là cách đi của Digiworld…
Chính những lợi thế có được nên các lãnh đạo DGW tự tin đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, như vậy mỗi năm tăng trưởng lợi nhuận sau thuế vào khoảng 25%. Thậm chí, ông Việt cho biết công ty sẽ phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 1,5% mỗi năm nếu đạt kế hoạch.
Tuy nhiên, trước quá nhiều sự lựa chọn trong ngành bán lẻ điện tử, chuyên viên chứng khoán Rồng Việt cũng cảnh báo: “Nhà đầu tư quan tâm DGW nên quan sát mức độ bão hòa của ngành bán lẻ thiết bị điện tử của Việt Nam để hạn chế rủi ro trong các quyết định đầu tư. Bởi lẽ, ngành này đã trải qua thời kỳ tăng trưởng rất mạnh trong các năm gần đây và đang có dấu hiệu dần bão hòa, có thể giảm tăng trưởng trong các năm tiếp theo”.
Xét về số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, hai năm tới tăng trưởng thị trường điện tử có khả năng thấp hơn do nhu cầu các thiết bị di động và hàng điện máy đang chạm ngưỡng bão hòa, đặc biệt là nhóm thiết bị di động. Nhóm hàng điện máy cũng bão hòa cả khu vực thành thị và dự báo cũng sẽ bão hòa tại các tỉnh và vùng nông thôn.
Trước dự báo này, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của DGW cần đặt ra giả thiết rằng: Liệu DGW có đạt mục tiêu mỗi năm tăng trưởng 20-25%, đặc biệt 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của Digiworld mới đạt 2.109 tỷ đồng, trong khi năm 2015, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.300 tỷ đồng…
Vũ Hoàng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.