Chiều nay (7/8), Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (MCK: HHS) có cuộc trao đổi gặp gỡ nhà đầu tư tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE).
Ông Đỗ Hữu Hậu, thành viên HĐQT Hoàng Huy cho biết, chiến lược dài hạn của HHS là xây dựng các trạm bảo trì, bảo dưỡng và bán linh kiện.
Theo ông Hậu, khi thị trường đi vào ổn định, doanh số giảm thì bảo trì, bảo dưỡng, bán linh kiện là cách gia tăng doanh thu. Kinh nghiệm từ các nhà đầu tư Mỹ, 80% doanh thu phải đến từ mảng bảo trì, bảo dưỡng, bán linh kiện.
Cũng theo ông Hậu, hiện tại Hoàng Huy có khoảng 62 - 68 đại lý phân phối. Mô hình sở hữu là dựa vào các đại lý để bán hàng, tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí quản lý, không cần sở hữu đại lý. Hoàng Huy cũng có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các đại lý, ví dụ thưởng cho đại lý bán hàng doanh số tốt 1 xe ô tô con.
Liên quan tới các đại lý phân phối, ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc Tài chính HHS cho biết, Hoàng Huy có kế hoạch phát hành cho các đại lý từ 30 - 60 triệu cổ phần với giá tối thiểu 12.500 đồng/đơn vị. Mức giá này sẽ phải cân nhắc thêm theo giá trị trường.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về số lượng cổ phần phát hành này quá lớn, giá phát hành cũng không phản ánh đúng xu thế giá thị trường, ông Dương cho biết, việc phát hành dự kiến trong năm 2016, số lượng phát hành dự kiến bằng một nửa số phát hành đã lên kế hoạch.
Ông Dương cũng giải thích thêm, gắn với chiến lược lâu dài về tăng doanh thu từ trạm bảo trì, bảo dưỡng và bán linh kiện, Hoàng Huy chú trọng giữ vững và phát triển các đại lý. Họ có mặt bằng đẹp, có mối khách hàng và kinh doanh ổn định, nếu không có chế độ chăm sóc đại lý tốt thì rất có thể, các doanh nghiệp khác sẽ giành mất.
Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư về việc tại sao HHS không lắp ráp sản xuất xe, ông Đỗ Hữu Hậu cho rằng Công ty cũng từng lắp ráp, sản xuất các dòng xe, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. Do đó, HHS chuyển hẳn sang việc nhập khẩu nguyên chiếc.
Lý do ông Hậu đưa ra, thứ nhất là chính sách thuế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, khi trong những năm tới, dòng thuế sẽ còn giảm xuống tới mức thấp, khoảng từ 0-5%, nếu lắp ráp thì không thành công.
Thứ hai, một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã sang Việt Nam đầu tư và đầu tư những sản phẩm như HHS cung cấp nhưng thất bại. Các doanh nghiệp lắp ráp thì tập trung vào dòng sản phẩm, trong khi HHS lại phát triển nhiều dòng sản phẩm, tỷ lệ bán hàng cho các sản phẩm san đều, không có doanh số vượt trội cho từng dòng.
Trong mảng kinh doanh bất động sản, Hoàng Huy hiện đang sở hữu 36% cổ phần Công ty Prusksa Việt Nam. Công ty này đang triển khai dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, diện tích 31 ha ở An Đồng, Hải Phòng.
Về tiến độ dự án, ông Hậu cho biết đã làm 6 block, tương đương khoảng 600 căn hộ và sẽ được bán ra từ tháng này hoặc tháng sau. Dự kiến, HHS sẽ ghi nhận doanh thu bất động sản từ dự án này vào năm 2016 nhưng chưa có con số kế hoạch lợi nhuận.
6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu hợp nhất 2.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 335,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 967 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ Công ty CP phát triển Dịch vụ Hoàng Giang 1.247 tỷ đồng.
Năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng, công ty hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận.
Khổng Chiêm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.