Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) vừa bất ngờ tiết lộ về một hợp đồng phần mềm trị giá 100 triệu USD vừa ký kết trên trang cá nhân của mình.
100 triệu USD là con số doanh thu mà doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ phần mềm đầu tiên của Việt Nam này đạt được trong năm 2013. Liên tục tăng trưởng qua các năm, FPT Software đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 tăng trưởng 30%, đạt khoảng 300 triệu USD. Tin vui những ngày đầu năm 2018 này do đó có ý nghĩa rất lớn đối với FPT Software nói riêng và mảng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam.
Hợp đồng có giá trị 100 triệu USD ước tính sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn. Theo ước tính của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, phần giá trị tăng thêm từ hợp đồng này gần tương đương với các hợp đồng xuất khẩu gạo trị giá 1 tỷ USD hay việc xuất khẩu hàng tỷ USD điện thoại di động.
Cũng từng chia sẻ trước đó tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam, Chủ tịch FPT Software khẳng định giá trị "do người Việt Nam làm ra" trong ngành phần mềm là rất ổn.
Bởi trong khi xuất khẩu hơn 30 tỷ USD thì để làm ra chiếc điện thoại đã cần nhập khẩu cũng 25 tỷ USD. Còn với ngành chúng ta làm chính như lúa gạo thì hóa ra giá trị gia tăng của nông dân làm ra là 50% còn lại là nhập phân bón thuốc trừ sâu.
"Với ngành phần mềm chúng tôi, cứ 100 USD xuất khẩu thì có 84 - 86 USD do người Việt Nam làm ra. Như vậy, giá trị gia tăng của ngành phần mềm rất ổn. Trung bình mỗi cán bộ, nhân viên FPT Software làm ra khoảng 550 triệu đồng/năm”, ông Tiến từng chia sẻ.
Nói về tiềm năng ngành, ông Tiến cũng cho biết thị trường phần mềm có doanh số 994 tỷ USD. Giới hạn do đó không nằm ở thị trường mà vấn đề giới hạn trong lĩnh vực này lại nằm ở năng lực thực hiện với hàng triệu kỹ sư phần mềm của cả thế giới vẫn đang chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc.
PV
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.