Theo thỏa thuận giữa các bên, gói tài trợ có thể lên tới 24,9 triệu USD, bao gồm khoản vay chuyển đổi nêu trên để hỗ trợ chiến lược tăng trưởng tiếp theo của công ty.
DNP-Water là một đơn vị thành viên của CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP). DNP Water hoạt động theo mô hình công ty đầu tư sở hữu và vận hành nhà máy nước tại các địa phương. Hồi tháng 5, DNP đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 52,7% vốn CTCP Nhà máy nước Đồng Tâm và 51% vốn của CTCP Bình Hiệp cho DNP-Water.
DNP Water đặt mục tiêu mở rộng danh mục các công trình xử lý và cấp nước tại Việt Nam và dự kiến sẽ nâng cao năng lực xử lý và cấp nước lên gấp năm lần - đến năm 2025 đạt một triệu mét khối mỗi ngày. Khoản đầu tư của IFC vào DNP Water sẽ hỗ trợ chiến lược phát triển của công ty với việc xây dựng hai nhà máy xử lý nước mới quy mô lớn, và sở hữu các công ty cấp nước được cổ phần hóa. DNP Water sẽ tập trung nâng cao năng lực xử lý và cấp nước sạch chủ yếu ở các đô thị cấp hai và cấp ba ở Việt Nam.
Hiện mới chỉ khoảng 35% dân số Việt Nam được sử dụng nước máy. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2020, Việt Nam cần đầu tư tới 1 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống cung cấp nước sạch đô thị để đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại và tương lai. Với nguồn ngân sách hạn chế, nhà nước đã kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực tư nhân vào sản xuất nước sạch và mở rộng mạng lưới cung cấp nước máy.
IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Trong năm tài chính 2017, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt 19,3 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung.
IFC có kinh nghiệm sâu rộng trong việc hỗ trợ các khoản đầu tư của khu vực tư nhân trong ngành nước sạch và nước thải trên toàn thế giới; IFC đã thực hiện 55 khoản đầu tư trị giá lên tới 2,2 tỷ USD bao gồm cả các khoản huy động trong 10 năm qua.
HUY LÊ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.