Phiên xét xử phúc thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại hai dự án nhiệt điện trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX-HNX) bước sang ngày thứ 3 sau ngày đầu tiên hoàn tất các thủ tục khai mạc và xét hỏi 13/14 bị cáo về nội dung đơn kháng cáo.
Một trong các vấn đề tòa yêu cầu các bị cáo đối chất và có nhiều ý kiến trái ngược nhất là câu chuyện về đường đi của các văn bản bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã gửi tới PVN để báo cáo về sự thiếu sót của Hợp đồng EPC số 33.
Theo quy chế tại PVN được các bị cáo cho biết tại phiên tòa, các văn bản khi tới Tập đoàn Chánh văn phòng được quyền chuyển thẳng đến người chuyên trách. Theo bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN thì khối lượng văn bản đến Tập đoàn rất lớn, như năm 2011 lên đến 70.000 văn bản.
Với nhiều ý kiến khác nhau của các bị cáo, HĐXX phúc thẩm đã cho dừng phiên tòa buổi sáng vào lúc 9h30p. Tòa thực hiện triệu tập ông Hồ Công Kỳ, Chánh văn phòng PVN thời điểm này chiều nay để làm rõ lời khai của các bị cáo. Ông Kỳ hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV PV Power.
Trước đó, tại tòa sơ thẩm cũng như phiên phúc thẩm hôm qua, bị cáo Chương khẳng định từng nhiều lần gửi công văn cho PVN báo cáo vướng mắc của Hợp đồng EPC số 33. Trong đó, công văn số 378 ngày 15/6/2011 gửi trực tiếp cho Phùng Đình Thực được ông Chương đóng dấu MẬT.
Khai trước tòa, bị cáo Chương giải thích do tất cả các văn bản gửi lên đều không có hồi âm nên khi gửi Công văn 378 là lúc ông thấy tình hình đã quá phức tạp. "Nếu có văn bản trả lời thì không có chuyện bị cáo chuyển tiền tạm ứng", ông nói.
Ông Chương còn khai đã gặp hai Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh tại phòng làm việc ông Đinh La Thăng.
“Cuộc gặp tại phòng làm việc của Thăng có cả bị cáo Khánh, tôi nói điều kiện xin tạm ứng không phù hợp với Nghị định 48 của Chính phủ. Sau đó bị cáo Thăng gọi anh Sơn lên, anh Sơn hỏi tôi tại sao không chuyển tiền, tôi bảo văn bản chỉ 2 trang mà không ai ký nháy thì không chuyển được". Ông Chương cũng nói chưa tiếp cận trực tiếp Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực mà chỉ gửi công văn lên.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng vẫn giữ nguyên khẳng định không có cuộc gặp với ông Chương do đi công tác tại Thanh Hóa ngày 3/5. "Tôi không muốn đổ lỗi cho anh Chương hay bất kỳ ai nhưng sự thật là như vậy", bị cáo Đinh La Thăng nói.
Việc xác định đường đi của các văn bản này có thể phần nào xác định việc biết hay không vướng mắc của Hợp đồng 33. Sau quá trình điều tra, Hợp đồng EPC này được xác định là bản hợp đồng thiếu sót, qua đó trở thành căn cứ PVN tạm ứng tiền cho PVX.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ Huy Quang, cựu Tổng giám đốc PV Power cũng cho biết các lời khai của bị cáo cho rằng không biết sự thiếu sót Hợp đồng 33 cho đến 30/5 là không đúng. Về phía bị cáo Thắng, ông thừa nhận HĐTV PVN có chủ trương giao cho PVX làm tổng thầu nhưng giao TGĐ triển khai thực hiện. Trách nhiệm lựa chọn nhà thầu là của chủ đầu tư PV Power. Đây là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập nên cũng chịu trách nhiệm độc lập.
Mặc dù là đơn vị ký với tổng thầu PVX nhưng sau đó dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chuyển chủ đầu tư từ PV Power sang PVN. Quyết định tạm ứng tiền cho dự án cũng ở giai đoạn sau đó khi PVN đã là chủ đầu tư.
THANH THỦY
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.