13/6 là ngày thứ 2 cổ phiếu BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) giao dịch trên sàn UPCoM.
Sau khi tăng kịch trần phiên chào sàn, tại mức giá 3.200 đồng/cp với 300 cổ phiếu khớp lệnh và dư mua 824,700 cp, cổ phiếu BBT tiếp tục giữ “sắc tím”.
Tính đến cuối phiên sáng, cổ phiếu BBT ở mức giá 3.600 đồng/cp với 300 cp được trao tay. Trong khi đó, phía bên mua dư khối lượng tại giá trần hơn 642.000 cp và trắng bảng bên bán.
Những tín hiệu trên phản ánh sự kỳ vọng mới của nhà đầu tư vào Bông Bạch Tuyết hay chỉ là một bộ phận nhỏ đầu cơ ngắn hạn với doanh nghiệp này?
Quá khứ thiếu minh bạch, chia rẽ nội bộ và thua lỗ
Từng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, BBT nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, và giao dịch sôi động với thanh khoản bình quân 46.311 cp mỗi phiên ở giai đoạn 2004-2007.
Tuy nhiên, năm 2008, BBT gây bàng hoàng với toàn bộ thị trường với sự kiện vi phạm công bố thông tin báo cáo tài chính. Đơn vị này “hô biến” báo cáo tài chính 2 năm trước từ lãi thành lỗ, ghi dấu ấn đầu tiên trên thị trường về trường hợp doanh nghiệp hồi tố lỗ kết quả kinh doanh.
Khởi đầu từ thông tin tưởng chừng rất nhỏ: BBT chậm công bố thông tin báo cáo kiểm toán 2007 với lý do cần thời gian làm rõ, minh bạch tình hình tài chính của công ty, giải quyết tồn đọng của những năm trước. Đến tháng 7/2008, nhà đầu tư mới hiểu rõ sự “minh bạch” của BBT, những sự vụ tại công ty dần lộ diễn trước công chúng.
Báo cáo kiểm toán 2007 của BBT được công bố với một loạt thay đổi liên quan đến chỉ số tài chính của 2 năm. Đáng chú ý nhất, công ty hồi tố giảm doanh thu, lợi nhuận khiến kết quả chuyển từ lãi năm 2006, 2007 thành khoản lỗ hơn 15 tỷ đồng và nâng khoản lỗ lũy kế lên gần 18 tỷ đồng.
Sự việc của BBT gây ra sự bàng hoàng của nhà đầu tư và là một trong những sai phạm nghiêm trọng ở thời điểm năm 2008 trong báo cáo tài chính. Theo đó, HOSE đã ra nghị quyết tạm ngừng giao dịch cổ phiếu BBT trên thị trường vào tháng 7/2008.
Không chỉ hồi tố lỗ 2 năm trước, hoạt động kinh doanh 2008 của BBT cũng lâm vào khó khăn. Công ty cho biết, đang ở tình trạng thiếu vốn lưu động trầm trọng, hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp.
Tuy nhiên, ngân hàng không giải ngân, khiến công ty không có vốn hoạt động, sản xuất kinh doanh ngưng trệ cầm chừng. Điều này trực tiếp dẫn đến tình trạng công nhân đình công nhằm khiếu nại công ty giảm tiền lương, không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu.
Sau khi “bản chất” của BBT lộ diện, hàng loạt các chủ nợ gồm ngân hàng, doanh nghiệp yêu cầu BBT trả nợ và nhiều vụ việc đã mang ra trước vành móng ngựa.
Để tháo gỡ khó khăn, phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu đã được HĐQT của BBT đề ra, tuy nhiên, chính lúc này những mâu thuẫn giữa cổ đông lớn – Dệt may Gia Định nắm 30% vốn, và lãnh đạo doanh nghiệp phát sinh. Dệt May Gia Định không chấp thuận phương án tăng vốn của công ty bởi không muốn xử lý thiệt hại do chính ban lãnh đạo của doanh nghiệp và chỉ đáp ứng khi cơ cấu lại bộ máy điều hành.
Phương án tăng vốn đi vào bế tắc, thời gian sau, BBT đứng trước nguy cơ bị phát mại tài sản. Trong khi đó, nội bộ HĐQT công ty “đưa nhau” ra tòa liên quan đến việc bãi nhiệm HĐQT và rành quyền kiểm soát công ty.
Cuối năm 2008, BBT ghi nhận khoãn lỗ ròng hơn 10,6 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên gần hơn 28,4 tỷ đồng. Mặt khác, công ty gánh khoản nợ phải trả hơn 55 tỷ đồng.
Theo kết quả thanh tra, toàn bộ tài sản, máy móc, thiết bị nhà xưởng, công nợ hơn 74 tỷ đồng phải thu đều bị cầm cố, thế chấp cho Ngân hàng TMCP Quân Đội và Ngân hàng Hàng hải. Giá trị hàng tồn kho 14,8 tỉ đồng, không có khả năng giải phóng để thu hồi vốn, vì chủ yếu là phế liệu không thể đưa vào sản xuất, cùng với một phần sản phẩm do khách hàng trả lại.
Sự việc của BBT tốn nhiều giấy bút của cả báo chi và cả cơ quan điều tra vào thời điểm đó. Ngày 7/8/2009, cổ phiếu BBT chính thức bị hủy niêm yết do không đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ thực góp.
Trở lại với những ‘vết thương’ chưa lành, tương lai sẽ ra sao?
Sau 10 năm vắng bóng, BBT một lần nữa lộ diện trên thị trường với những con số khả quan trên báo cáo tài chính 2 năm có lãi, dù những hệ lụy từ 10 năm trước vẫn hiện hữu.
Hiện nay, Dệt May Gia Định vẫn là cổ đông lớn duy nhất của BBT nắm 30% vốn.
Năm 2017, BBT đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 92,4 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng giảm 3% đạt 14,2 tỷ đồng. Năm 2016, công ty đạt doanh thu thuần và lợi nhuận 80,4 tỷ đồng và 14,7 tỷ đồng.
Mặt khác, công ty tích lũy được gần 30 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và hơn 3,6 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 50% tài sản ngắn hạn.
Kết quả công bố thể hiện sự thay đổi ‘vượt bậc’ của BBT trong hoạt động kinh doanh so với 10 năm trước.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của BBT vẫn còn nhiều vấn đề. Đến cuối 2017, công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 76 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 16 tỷ đồng.
Nợ phải của BBT hơn 83,6 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ ngắn hạn trong đó chi phí phải trả ngắn hạn gần 43,7 tỷ đồng và nợ vay tài chính ngắn hạn gần 14,5 tỷ đồng (là các khoản vay ngắn hạn cá nhân không rõ đối tượng).
Tổng tài sản của BBT ở mức 100,2 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 66% với 66,7 tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho chiếm 23% với 15,2 tỷ đồng, khoản phải thu chiếm 23% với hơn 15,8 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chiếm 34% tổng cơ cấu với hơn 33,5 tỷ đồng.
Sau khi lên sàn, BBT dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 98 tỷ đồng trong năm 2018. Đồng thời, BBT dự kiến doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng lần lượt 15% và 4% đạt 106,2 tỷ đồng và 12,8 tỷ đồng. Nguyên nhân biên lãi ròng giảm là do công ty dự kiến sẽ phải chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong quý I, BBT đạt doanh thu 21,2 tỷ đồng, tương đương 20% kế hoạch năm và lãi ròng 2,7 tỷ đồng, đạt 21% chỉ tiêu.
Với kế hoạch năm 2019, BBT vẫn chưa thể định ra số liệu cụ thể. Tương lai của BBT và những cổ đông theo doanh nghiệp sẽ còn cần thời gian để kiểm chứng sau những gì BBT đã thể hiện trong quá khứ.
LỆ HẢI
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.