Ngày 26/09, gần 1,3 triệu cổ phiếu TGG của CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (mã TGG) sẽ được giao dịch sau khi đã được niêm yết bổ sung từ ngày 17/09 vừa qua. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của TGG sẽ được nâng lên 27,3 triệu cổ phiếu.
Đây có thể là thông tin không mấy tích cực đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu TGG trong bối cảnh cổ phiếu đang liên tục lao dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại sau khi đạt đỉnh hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Từ ngày 31/08 đến nay, TGG có nhiều phiên giảm điểm liên tiếp thậm chí có tới 9 phiên giảm sàn. Theo đó, từ mức 28.000 đồng/cổ phiếu, TGG rơi xuống chỉ còn 14.200 đồng đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/09, ghi nhận mức giảm 50%. Qua đó, vốn hóa của TGG cũng giảm xuống chỉ còn 416 tỷ đồng.
TGG là một cổ phiếu mới lên sàn chứng khoản ngày 25/5/2018 với giá tham chiếu 12.200 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn, TGG đã tăng giá liên tục và tạo đỉnh 30.300 đồng/cổ phiếu hồi tháng 8. Do đó, việc TGG giảm sốc trong thời gian gần đây khiến không ít các nhà đầu tư bất ngờ.
Nguyên nhân giảm sàn được cho là do công ty có kế hoạch phát hành thêm tới 27 triệu cổ phiếu mới cho không quá 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng trong một năm. Mục đích của đợt phát hành là đầu tư vào Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên trị giá 800 - 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn chủ trương đầu tư Khu dân cư cao cấp Gành Gió (Kiên Giang) lên tới 1.620 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác có thể đến từ kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của TGG dù lên kế hoạch với nhiều dự án tham vọng. Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, TGG chỉ đạt 50 tỷ đồng doanh thu và thu về vỏn vẹn 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế qua đó mới thực hiện 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Thành lập từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, TGG chủ yếu tập trung làm các dự án xây dựng như đường Chi Lăng kéo dài qua Tp. Hoà Bình, Trung tâm thương mại dịch vụ Tổng hợp Sông Đà, Chung cư cao cấp SME Hoàng Gia… Với tốc độ tăng vốn khá nhanh, đến hiện tại, vốn điều lệ của TGG đã vượt hơn 270 tỷ đồng.
Được biết, Trường Giang có mối quan hệ khá mật thiết với CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP - nơi ông Lê Xuân Nghĩa đang nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là cổ đông lớn nhất. Cụ thể, CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP đang sở hữu 19,23% TGG, CTCP Đầu tư NHP sở hữu 16,54%. Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Xuân Nghĩa nắm 10%.
Thanh Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.