Câu chuyện nâng hạng thị trường
Trong buổi hội thảo MBS Talk 16, đại diện CTCP Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ Việt Nam đã chính thức được FTSE Russell đưa vào theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Đối với MSCI, mặc dù Việt Nam mới chỉ đạt 5 tiêu chí và có tới 9 tiêu chí cần cải thiện nhưng triển vọng cải thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn này là rất quả khan.
Với FTSE Russell, tháng 9/2018 tổ chức này đã chính thức đưa Việt Nam, Argentina, Tanzania vào watchlist và Việt Nam đã đạt 10/21 tiêu chí chất lượng của 1 thị trường mới nổi thứ cấp.
Theo kịch bản khả quan nhất, tháng 3/2020 FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường thứ cấp mới nổi và đến tháng 9/2020 Việt Nam sẽ chính thức được vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.
Khi được nâng hạng, đại diện MBS ước tính giá trị dòng vốn thụ động vào Việt Nam từ 184 triệu đến 555 triệu USD. Nhóm cổ phiếu có khả năng được hưởng lợi lớn nhất là các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong rổ FTSE Việt Nam như VNM, VIC, VHM, MSN, HPG, VRE,…
Với MSCI, dù còn 9 tiêu chí cần cải thiện nhưng triển vọng cải thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn này là rất quả khan. Trong đó chỉ có 2 chỉ tiêu khó hoàn thành là mức độ tự do hóa trên thị trường ngoại hối và bán khống.
Trong kịch bản khả quan, Việt Nam sẽ được đưa vào diện theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá tháng 6/2020 và chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi sớm nhất vào tháng 6/2021.
Tỷ trọng Việt Nam trong rổ MSCI Emerging Markets còn phụ thuộc vào giá trị vốn hóa và thanh khoản tại thời điểm xem xét nâng hạng. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ của MBS tại 28/12/2018, nếu được nâng hạng tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Emerging Markets đạt khoảng 0,3%, thu hút dòng vốn khoảng 4,5 tỷ USD vào thị trường.
Trong đó, những cổ phiếu được các quỹ đầu tư phân bổ vốn là những cổ phiếu có triển vọng lọt rổ chỉ số thị trường mới nổi như VNM, VIC, VHM, HPG, MSN, VRE. Đây là 5 doanh nghiệp thỏa mãn đầy đủ các điều kiện định lượng thị trường mới nổi của MSCI gồm vốn hóa trên 1,59 tỷ USD, vốn hóa tự do lưu hành trên 797 triệu USD và thanh khoản bình quân năm không thấp hơn 15%.
Việt Nam là điểm sáng trong khu vực
Trong năm 2018, Việt Nam là nền kinh tế có mức độ ổn định vĩ mô và là điểm sáng hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới. GDP tăng trưởng khoảng 7%, tỷ giá ổn định với 2,6%, lạm phát thấp và là quốc gia hiếm hoi hút ròng vốn FII .
Năm 2019 vẫn là giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ kinh tế Việt Nam, động lực tăng trưởng kinh tế có giảm nhẹ do chính sách tiền tệ thận trọng song các yếu tố vĩ mô rất ổn định. Tăng trưởng của Việt Nam nhờ vào động lực tái cơ cấu nền kinh tế.
Với thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2019, động lực của thị trường Việt Nam đến từ nền kinh tế tiếp tục dự báo tăng trưởng cao, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tích cực, xu hướng dòng vốn vào Việt Nam dương và triển vọng nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, thị trường cũng đối mặt với các rủi ro lớn từ bên ngoài như việc Fed tăng lãi suất, chiến tranh thương mại, yếu tố từ Trung Quốc. Rủi ro từ trong nước đó là vấn đề tỷ giá trước ảnh hưởng từ nhân dân tệ và đôla Mỹ.
Theo MBS, mặt bằng định giá hiện tại của TTCK Việt Nam so với tương quan các nước trong khu vực là tương đối thấp, P/E forward 2019 ở mức khoảng13-14x.
VN-Index có thể lên 1.100 điểm
Về chiến lược đầu tư trong năm 2019, MBS đưa ra 2 kịch bản cho thị trường Việt Nam. Với kịch bản lạc quan, VN-Index có thể xác lập đáy trong quý I quanh vùng 86x+/- và dự báo cuối năm 2019 sẽ hồi phục về mức 980-1.100 điểm. Vùng mua quanh 850-880 điểm.
Với kịch bản thận trọng, MBS cho rằng VN-Index có thể xác lập đáy quanh 750+/- và dự báo cuối năm 2019 sẽ ở mức 900-980 điểm. Vùng mua quanh 750-780 điểm.
Về danh mục đầu tư, MBS đề xuất phân bổ danh mục cân bằng cho năm 2019 với tỷ trọng cổ phiếu 50%, trái phiếu 25%, đầu tư ngắn hạn khác 20% và giữ tiền mặt 5%.
Danh mục cổ phiếu phải có sự chọn lọc. Trong đó, MBS khuyến nghị các cổ phiếu giá trị, nhóm cổ phiếu phòng thủ và nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường nội địa.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.