CTCK Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo cập nhật về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu năm 2018 ước tính khoảng 3,9%, tuy nhiên dự báo tăng trưởng năm 2019 chỉ ở mức 1,4%, thấp hơn so với 2018 chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của ngành thép Trung Quốc có thể giảm mạnh (ước tính đạt 6% trong năm 2018 và 0% năm 2019).
Sản lượng thép Trung Quốc dự báo tiếp tục tăng trong năm 2019 tạo sức ép lên giá thép. Tuy nhiên, giá thép giảm trong năm 2019 không đồng nghĩa với việc lợi nhuận của Hòa Phát sẽ sụt giảm.
Trong kịch bản cơ sở, BVSC ước tính lợi nhuận HPG có thể tăng 14% năm 2019 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh. Trong điều kiện bình thường, với mục tiêu đạt thị phần, BVSC ước tính, Hòa Phát có thể lãi sau thuế 2019 khoảng 10.000 tỷ VNĐ, tăng 14% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế quý I có thể ở mức thấp nhưng có thể tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2019. Hiện tại còn rất sớm để dự báo quý I, tuy nhiên BVSC cho rằng lãi ròng nhiều khả năng sẽ sụt giảm so với cùng kỳ 2018.
Trong giả định xấu nhất, giá nguyên liệu vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay trong khi giá thép ở mặt bằng thấp, lãi ròng sẽ ở mức 1.500 tỷ đồng. Nếu giá thép thời gian tới tăng trở lại, lãi ròng quý I có thể ở mức 1.700-1.800 tỷ đồng và tích cực (giá nguyên liệu giảm mạnh) thì có thể khoảng 2.000 tỷ (lợi nhuận quý I/2018 là 2.200 tỷ đồng trong đó bao gồm khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận hạch toán Mandarin Garden 2).
Nếu không có yếu tố nào đột biến, lợi nhuận quý II sẽ trở về điều kiện bình thường và lãi quý III, IV năm nay, có thể tăng mạnh khi lò cao của Dung Quất bắt đầu được hạch toán doanh thu lợi nhuận.
Kịch bản tiêu cực nhất, BVSC ước tính lãi ròng 2019 giảm khoảng 15% so với 2018 tuy nhiên xác suất xảy ra là cực kỳ thấp. Năm 2018, lợi nhuận/tấn thép của HPG ở mức kỷ lục nhờ giá phế ở mặt bằng rất cao so với giá quặng sắt (giá thép Việt Nam được xác định theo giá phế, trong khi chi phí sản xuất của HPG phụ thuộc vào giá quặng sắt).
Trong điều kiện bình thường các năm trước khi giá thép phế diễn biến sát giá quặng, lợi nhuận gộp HPG đạt 2,5 triệu đồng/tấn. Nếu trong thời gian tới giá thép phế giảm mạnh so với giá quặng, biên gộp của HPG có thể bị thu hẹp. Tuy nhiên công nghệ lò cao có lợi thế hơn rất nhiều so với lò điện ở khả năng phối trộn do đó có thể giảm được rủi ro nếu giá phế giảm mạnh so với giá quặng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế HPG ở mức 7.500 tỷ đồng là kịch bản xấu nhất mà BVSC đưa ra để xác định ngưỡng thấp nhất về lợi nhuận của HPG năm 2019, và đánh giá xác suất xảy ra kịch bản này là rất thấp.
BVSC vẫn giữ nguyên quan điểm lạc quan về triển vọng lợi nhuận 2020-2021, khi lò cao được đưa vào vận hành và sản lượng tiêu thụ tăng trưởng tốt. Giả định thận trọng mức lợi nhuận gộp về mức 2,5 triệu đồng/tấn như giai đoạn trước, BVSC ước tính lợi nhuận của HPG sẽ tăng 23%/năm trong giai đoạn 2020 – 2021 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh.
2 lò cao giai đoạn 2 tại Dung Quất sẽ đi vào chạy thử khoảng tháng 9 và tháng 12 do đó chưa đóng góp được nhiều vào kết quả kinh doanh của HPG năm 2019. Sản phẩm HRC là một sản phẩm rất mới đối với HPG do đó thời gian chạy thử và các vấn đề vận hành sẽ phức tạp hơn, tuy nhiên BVSC tin rằng với năng lực của Ban lãnh đạo và kinh nghiệm lâu năm trong ngành, HPG có thể nhanh chóng vận hành trơn tru dây chuyền giai đoạn2.
Khoảng 60 - 70% sản lượng của giai đoạn 2 năm 2020 sẽ được phục vụ nội bộ cho mảng ống thép và tôn mạ của HPG, và chỉ tiêu thụ ra ngoài khoảng 500.000 tấn (2020) và 800.000 tấn (2021) - là phần rất nhỏ so với tổng nhu cầu của thị trường (9 triệu tấn). Ngoài ra cũng cần nhắc lại là các doanh nghiệp ngành tôn mạ hiện tại đang rất khó khăn, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ tôn mạ nội địa mặc dù chậm lại nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng và các doanh nghiệp tôn mạ sẽ vẫn phải mua HRC để sản xuất.
Tổng nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam ước tính khoảng 9 triệu tấn/năm, với Formosa cung cấp khoảng 5,5 triệu tấn/năm và 2 triệu tấn/năm của HPG thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, do đó giá HRC bán tại Việt Nam sẽ theo sát với giá thế giới và giai đoạn 2 của HPG sẽ rất nhanh chóng đạt tối đa công suất sau khi đi vào vận hành.
Ngoài ra, trong báo cáo cập nhật quý III/2018, BVSC đã phân tích về giá thành sản xuất của HPG hiện tại tại Hải Dương đã thấp hơn so với trung bình của ngành thép Trung Quốc và giá thành tại Dung Quất không cao hơn nhiều so với Hải Dương do đó sau khi giai đoạn 2 của Dung Quất đi vào hoạt động với giá bán HRC tương đương với các sản phẩm nhập khẩu thì BVSC cho rằng lợi nhuận/tấn của HRC cũng sẽ ở mức tương đương so với sản phẩm thép xây dựng.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.