“Vượt khó” trong thị trường giá xuống
Chứng khoán Việt Nam từ quý II/2018 liên tục chứng kiến những đợt sụt giảm mạnh, do những lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dòng vốn ngoại bị rút khỏi thị trường mới nổi. VN-Index tính đến cuối năm mất hơn 26% từ đỉnh 1.204 điểm và 10% so với đầu năm với thanh khoản giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, hai thương vụ bán vốn nổi bật và thành công nhất năm 2018, vượt qua những mong đợi ban đầu lại thuộc về thương vụ bán vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 2 thương vụ tiêu biểu tại CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex), mang về gần 9.700 tỷ đồng.
Đầu tháng 3/2018, SCIC chào bán toàn bộ 29,51% vốn BMP, tương đương hơn 24,1 triệu cp với giá 96.500 đồng/cp, mang về 2.331 tỷ đồng. Nawaplastic – tập đoàn nhựa Thái Lan đã mua gần như toàn bộ cổ phần đấu giá.
Với thương vụ Vinaconex, SCIC đón nhận thành công ngoài mong đợi. 57,7% cổ phần Vinaconex của SCIC đã “về tay” Công ty An Quý Hưng với mức giá trúng 28.900 đồng/cp, cao hơn 31% so với giá khởi điểm. SCIC qua đó thu về 7.366 tỷ đồng, cao hơn mức kỳ vọng ban đầu 1.936 tỷ đồng.
Ngoài 2 đơn vị trên, năm qua SCIC bán đấu giá cổ phần tại một số doanh nghiệp khác như Nông sản Thực phẩm Cần Thơ, Thương mại Du lịch và Dịch vụ Tổng hợp Điện Biên… nhưng không đơn vị nào vượt qua được “thành tích” tại BMP và Vinaconex.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công bố đề cập, từ năm 2011, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp) với giá vốn là 8.332 tỷ đồng và giá trị thu về 36.989 tỷ đồng, gấp hơn 4,4 lần giá vốn (trong khi mức bình quân chung của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 chỉ là 1,48 lần).
Theo thông tin từ SCIC, tính đến cuối năm 2018, danh mục đầu tư hiện hữu của SCIC gồm 142 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 20.576 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 84.177 tỷ đồng.
Đầu tư trái phiếu và gửi tiền thắng lớn trong năm 2018
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, trong năm qua hàng loạt quỹ đầu tư đều tăng trưởng tài sản âm. VEIL thuộc Dragon Capital, một trong những quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam ghi nhận mức giảm tài sản 7,96% so với đầu năm. PYN Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng báo tài sản ròng giảm 9,92%, và nhiều quỹ khác như JPMorgan VOF giảm 12%, FTSE Vietnam ETF giảm 11%, VFMVN30 ETF giảm 11,4%, VNM ETF giảm gần 13%... Các quỹ có thành tích khả quan hơn VN-Index năm qua (tính tới 21/12) có thể kể tới như SSIAM VNX50 ETF giảm 6,2%, ENF giảm 7,5%...
Trong khi đó, các quỹ thắng lớn trong năm qua đa phần là các quỹ trái phiếu. Theo ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) điểm nổi bật của ngành quỹ năm 2018 là đơn vị lớn nhất trên thị trường lại là quỹ đầu tư trái phiếu với quy mô 5.800 tỷ đồng. Đồng thời, quỹ có kết quả đầu tư tốt nhất cũng là quỹ trái phiếu với tăng trưởng NAV trên 11%. Trong khi đó, các quỹ cổ phiếu nói chung đều tăng trưởng âm 1% đến 10%. Nếu nhìn 5 năm trên danh mục quỹ VFM quản lý thì mức lãi ghi nhận khoảng 73%, theo đó ông Minh cho rằng, trái phiếu có thể là lựa chọn đầu tư cho 2019.
Đồng quan điểm này, báo cáo chiến lược của CTCK Rồng Việt cũng cho rằng, với việc lãi suất tăng, trái phiếu và tiền gửi có kỳ hạn sẽ là lựa chọn nên cân nhắc đưa vào danh mục đầu tư.
Đây cũng là một trong những hướng đầu tư được SCIC ưu tiên trong những năm qua. Theo báo cáo kiểm toán Nhà nước của đơn vị này, vốn đầu tư được cất chủ yếu dưới dạng tiền gửi ngân hàng và trái phiếu. Trong đó, SCIC có hơn 18.000 tỷ đồng tiền gửi trong 2017 và mang về hơn 922,1 tỷ đồng tiền lãi. Đồng thời, SCIC cũng rót gần 6.000 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu ngân hàng, doanh nghiệp.
Theo kế hoạch từ năm 2013, SCIC được HĐTV phê duyệt giá trị giải ngân đầu tư 17.456 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đến cuối năm 2017, doanh nghiệp chỉ mới đầu tư 9.313 tỷ đồng, trong đó có 5.000 tỷ đồng mua trái phiếu Chính phủ và 1.000 tỷ đồng góp vốn thành lập SIC và một số khoản đầu tư khác. Sự thận trọng của trong việc giải ngân dù có thể khiến bỏ lỡ cơ hội nhưng lại giúp doanh nghiệp bảo toàn được nguồn vốn và tránh rơi vào tình trạng như các quỹ đầu tư trong năm qua.
Tiếp tục nhận và tái cơ cấu doanh nghiệp
Năm 2018, SCIC đã tích cực tiếp nhận nhận chuyển giao vốn các doanh nghiệp của Bộ, Tỉnh. Mới đây, SCIC đã nhận bàn giao Tổng công ty Licogi từ Bộ Xây dựng với giá trị vốn đầu tư 366,4 tỷ đồng, tương đương 40,72% vốn điều lệ của Licogi.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC từng cho biết, SCIC rất tích cực trong việc tiếp nhận các doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình xử lý, chuyển giao gặp nhiều vướng mắc khiến tiến độ bàn giao chậm.
Các doanh nghiệp chuyển giao về, SCIC đã đóng đúng vai trò là cổ đông, tham gia vào các quyết định của doanh nghiệp để bảo đảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong hoạt động điều hành, SCIC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong việc soát xét các báo cáo tài chính, đưa các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp và khả năng sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.