Doanh nghiệp đường Việt Nam sở hữu vùng nguyên liệu mía organic lớn nhất
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Biên Hòa, HoSE:
SBT) cho biết định hướng chiến lược là trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt, thông qua hệ thống sản xuất và phân phối bền vững.
Năm 2017, TTC Biên Hòa đã chính thức M&A nhà máy đường TTCA - tiền thân là nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu - Lào với vùng nguyên liệu hiện tại là 7.500 ha và có thể mở rộng lên đến 20.000 ha trong định hướng 5 năm.
Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, môi trường, đất đai chưa bị ô nhiễm do lạm dụng chất hóa học, TTCA kỳ vọng chuyển toàn bộ vùng nguyên liệu sang trồng mía organic. Hiện mía organic đang chiếm khoảng 34% vùng nguyên liệu và sau khi chuyển đổi xong, dự kiến vụ thu hoạch 2019 - 2020 sẽ chiếm đến 50%, tăng trưởng khoảng 16% chỉ trong 1 năm. Chiến lược 3 năm tới, toàn bộ vùng nguyên liệu mía tại đây sẽ được chuyển đổi hoàn toàn sang organic.
SBT hiện đang là doanh nghiệp đường Việt Nam sở hữu vùng nguyên liệu mía organic lớn nhất với tổng diện tích hơn 2.600 ha tại Việt Nam và Lào. Tháng 3/2019,
SBT cũng đã chính thức đặt chân sang Campuchia để khẳng định chiến lược chủ động vùng nguyên liệu tại khu vực Đông Dương lên đến 70.000 ha.
Theo thống kê của Market Research Future & Absolute Market Insights, nhu cầu sử dụng đường organic toàn cầu đã tăng 31% từ 2010 tới 2014. Năm 2017, quy mô ngành đường hữu cơ đạt hơn 784 triệu USD và dự báo tới năm 2022 sẽ đạt gần 1,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2017 - 2022 lên tới 16%.
Để khai thác tiềm năng vô cùng lớn của thị trường này, TTC Biên Hòa đã có những bước chuẩn bị vào mảng đường organic trong suốt 2 năm qua. Công ty đang tiếp tục đầu tư và phát triển diện tích mía organic cũng như sản xuất đường organic nhằm tạo ra những sản phẩm hấp dẫn với người tiêu dùng về tính chuyên biệt, hấp dẫn với công ty về biên lợi nhuận và đặc biệt là thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế vốn đang bị chiếm lĩnh bởi các ông vua mía đường như Brazil (hạng 1), Thái Lan (hạng 2), Ấn Độ (hạng 3). Đây được xem là bước đi chiến lược của TTC Biên Hòa để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam.
Để có được một sản phẩm đạt chất lượng organic cần phải đáp ứng nhiều quy trình, tiêu chuẩn khắt khe từ khâu trồng trọt đến khâu sản xuất. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, sản phẩm để đạt chuẩn organic phải tuân thủ đủ tiêu chí "3 Không - Không thuốc trừ sâu, Không phân bón hóa học và Không biến đổi gen”.
Đường organic phải được sản xuất theo quy trình tự nhiên, không sử dụng bất cứ hóa chất nào từ khâu chuẩn bị đất trồng, giống mía, kỹ thuật canh tác, phương pháp bón phân, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh, tưới tiêu, thu hoạch đến khâu sản xuất. Tất cả đều phải được thực hiện trong điều kiện đảm bảo và cách ly theo đúng chuẩn. Đặc biệt, đất trồng không sử dụng các loại thuốc hóa học trong vòng 3 năm trở lên, có ranh giới, khoảng cách xác định và vùng đệm (hàng rào, hàng cây xanh…) để làm bờ chắn ngăn chặn sự phát tán của các chất độc hại ở các vùng lân cận vào ruộng mía.
Ngoài ra, giống mía organic phải không mang mầm bệnh, không lẫn lộn các giống mía khác và đặc biệt không bị biến đổi gen. Về công tác chăm sóc, tuyệt đối không được sử dụng các loại phân hóa học mà thay vào đó là bã bùn, phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh…
Quy trình sản xuất đường organic tại TTC - Biên Hòa. Nguồn: TTC Biên Hòa
SBT đã đầu tư rất lớn từ vùng nguyên liệu cho đến hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đạt các tiêu chuẩn công nghệ châu Âu. Chi phí mà
SBT phải đầu tư là không nhỏ, tuy nhiên, với chiến lược tiên phong và định hướng thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho người dùng và cả hiệu quả lợi nhuận cho công ty, việc đầu tư một cách nghiêm túc được xem là hợp lý.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.