Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) - SSI Research vừa có báo cáo nhận định về BIDV (HoSE:
BID). Điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của BIDV trong quý III là tái cấu trúc vốn, khi ngân hàng đặt mục tiêu giảm dần tiền gửi và trái phiếu dài hạn để giảm chi phí vốn.
Quý III, ngân hàng đã mua tất cả trái phiếu vốn cấp 2 kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2014 với tổng trị giá 7.300 tỷ đồng. Sau 5 năm đầu tiên từ khi phát hành, lãi suất trái phiếu sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể nếu không được ngân hàng mua lại.
Để thay thế các trái phiếu đó, ngân hàng phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, tất cả đều là trái phiếu cấp 2 có lãi suất thấp hơn.
Ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn ngắn hạn và giảm nguồn vốn dài hạn. Tính tới tháng 9, tổng tiền gửi của khách hàng, chứng chỉ tiền gửi (CD) và trái phiếu có kỳ hạn hơn 1 năm giảm 8,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng huy động với kỳ hạn 3-12 tháng tăng mạnh 18%. Tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng chỉ tăng 5,9% so với đầu năm. Tổng huy động tăng 10,2%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng là 8,2%.
Tái cơ cấu tài sản
BIDV đang tái cơ cấu tài sản theo hướng tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn và trái phiếu liên ngân hàng. Với sự dịch chuyển của nguồn vốn tập trung sang ngắn hạn, ngân hàng cũng điều chỉnh cơ cấu tài sản theo hướng tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 62,9% tổng dư nợ cho vay trong 9 tháng, từ mức 61,8% năm 2018. Tỷ trọng dư nợ cho vay dài hạn ổn định ở mức 31% tổng dư nợ, để giúp duy trì khả năng sinh lời của các khoản cho vay.
Trong khi đó, với nguồn vốn dự trữ hạn chế, BIDV tăng đầu tư vào trái phiếu do ngân hàng khác phát hành. Thông thường các trái phiếu này có tài sản đảm bảo là trái phiếu Chính phủ, do đó thường được áp dụng hệ số rủi ro bằng 0 khi tính toán hệ số an toàn vốn (CAR).
Bên cạnh đó, trái phiếu liên ngân hàng có kỳ hạn 2-3 năm, lợi suất cao hơn so với cho vay ngắn hạn liên ngân hàng. Tỷ trọng trái phiếu liên ngân hàng trên tổng tài sản sinh lãi tăng từ 0,72% năm 2018 lên 1,6% nửa đầu năm 2019. Dù không có số liệu chi tiết trong quý III, SSI Research tin rằng xu hướng này vẫn tiếp diễn. Chiến lược này cho phép ngân hàng mở rộng tài sản sinh lãi với chi phí vốn đầu tư thấp.
Hệ số NIM quý III giảm 19 điểm cơn bản còn 2,55%, đây là mức thấp nhất trong 13 quý vừa qua. Lũy kế 9 tháng, hệ số NIM giảm còn 2,46%, thấp hơn 23 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết. Điều này chủ yếu do chi phí huy động tăng 25 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi suất tài sản sinh lời không đổi ở mức 1 điểm cơ bản trong kỳ.
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu
9 tháng, BIDV sử dụng hơn 70% thu nhập hoạt động trước dự phòng (PPOP) trích lập dư nợ xấu. Trong quý III, tổng nợ nhóm 5 tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với đầu năm, cao hơn 20% so với quý III/2018, và ngân hàng đã xóa 66,4%.
Đồng thời, SSI Research ước tính ngân hàng đã xóa hơn 3.300 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong 9 tháng, tương đương hơn 51% dư nợ trái phiếu VAMC ròng đầu năm 2018. Ngân hàng lên kế hoạch xử lý tất cả trái phiếu VAMC trong năm 2019, do đó khoảng 3.100 tỷ đồng dư nợ trái phiếu VAMC ròng còn lại sẽ tiếp tục được xử lý trong quý IV.
Chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện. Dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 2,09% từ 1,9% trong năm 2018, tỷ lệ nợ xấu kết hợp (bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC) ước tính giảm còn 2,46% từ mức 2,75% trong năm 2017 và 2,56% trong năm 2018. Ngân hàng đã xóa khoản lớn trái phiếu VAMC và nợ xấu trong 9 tháng, hệ số LLC cải thiện lên 78,2% từ 66% trong năm 2018.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.