BIDV (HoSE:
BID) thông báo hoàn tất phát hành riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu cho đối tác KEB Hana Bank, tương đương 15% vốn điều lệ, với giá 33.640 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ sau chào bán nâng lên 40.220 tỷ đồng.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT của BIDV, cho biết toàn bộ số tiền mua cổ phần của KEB Hana Bank đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang cấp giấy chứng nhận cổ đông cho đối tác Hàn Quốc.
Ông Tú nhận định việc tăng vốn thành công đã gỡ được “nút thắt” quan trọng của BIDV, mở ra cơ hội phát triển tốt hơn cho ngân hàng. Về tiến độ xét duyệt hồ sơ Basel II, người đứng đầu BIDV cho biết quá trình vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước tiến hành, tuy nhiên chưa rõ về thời gian được phê chuẩn.
Sau khi giải quyết được vấn đề vốn, Hội đồng Quản trị BIDV vừa qua cũng thông qua triển khai trả cổ tức bằng tiền mặt 2017 và 2018. Ông Tú cho hay ngân hàng sẽ triển khai trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước và cổ đông khác, không bao gồm KEB Hana Bank.
“Đây là điều đã được đưa ra và thống nhất trong quá trình đàm phán. KEB Hana dù có trong danh sách cổ đông trong quý này nhưng sẽ từ chối quyền nhận cổ tức”, Chủ tịch BIDV đề cập.
Với hơn 3,4 tỷ cổ phiếu trước khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, ngân hàng sẽ cần chi 4.760 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức vào ngày 12/12. Riêng cổ đông lớn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nắm 95,28% vốn sẽ nhận về hơn 4.535 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, lãi trước trích lập của BIDV đạt 23.529 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng tăng 15% lên 16.501 tỷ đồng khiến lãi trước thuế giảm 3%, xuống 7.028 tỷ đồng, tương đương 68% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 5.496 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản đến cuối tháng 9 ở mức 1,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Cho vay khách hàng 1,07 triệu tỷ đồng, tăng gần 9%. Tỷ lệ nợ xấu 2,1%, tăng so với mức 1,9% đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 15.862 tỷ đồng, bên cạnh thặng dư vốn cổ phần hơn 30,3 tỷ đồng và quỹ của tổ chức tín dụng gần 5.740 tỷ đồng.
Năm 2019 là hạn chót cho các ngân hàng thuộc diện thí điểm cải thiện chỉ tiêu tài chính để đáp ứng Basel II. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn thí điểm từ tháng 2/2016 sẽ áp dụng với 10 ngân hànggồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB.
Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi đến năm 2020. Đến nay, có 13 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, trong có 12 ngân hàng Việt Nam gồm 7 đơn vị thuộc diện thí điểm là Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB và VPBank và 5 ngân hàng đạt trước hạn là OCB, TPBank, HDBank, SeaBank, Viet Capital bank.
Trong diện thí điểm của NHNN, Sacombank đã xin rút, BIDV đã tăng vốn thành công, VietinBank là ngân hàng còn lại đang cấp thiết trong việc tăng vốn. Tuy nhiên, phương án tăng vốn của VietinBank đến nay vẫn chưa rõ ràng, một phần do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đã ở mức giới hạn 65% và không thể thấp hơn.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.