• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.265,05 +5,42/+0,43%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.265,05   +5,42/+0,43%  |   HNX-INDEX   223,01   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   94,30   +0,42/+0,45%  |   VN30   1.337,59   +5,05/+0,38%  |   HNX30   463,85   -0,44/-0,09%
01 Tháng Hai 2025 8:05:32 SA - Mở cửa
Xuất khẩu tôm lại giảm
Nguồn tin: Người đồng hành | 23/10/2019 1:57:12 CH
Sau khi phục hồi trong tháng 7, xuất khẩu tôm giảm trở lại trong tháng 8 và tháng 9. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

 
Nguồn số liệu: VASEP.
 
Xét về cơ cấu, xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú lần lượt giảm 5,8% và 16%. Trong đó, giảm mạnh nhất là tôm sú chế biến với 35%. Ngược lại, các sản phẩm tôm biển khác ghi nhận mức tăng 6,3%, riêng loại đóng hộp tăng mạnh nhất 33,5%.
 
VASEP cho biết xuất khẩu có chiều hướng khả quan hơn tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, bán hàng sang EU chưa thể phục hồi ngay. VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2019 đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018, do áp lực cạnh tranh về giá vẫn lớn.  
 
Xuất khẩu sang EU có thể tăng từ năm 2020
 
Tháng 9, xuất khẩu tôm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là EU đạt hơn 61 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, bán hàng sang Anh và Hà Lan đều giảm 2 con số, lần lượt là 37% và 32%, trong khi Đức giảm 9%.
 
Giá trung bình nhập khẩu tôm Việt tại các thị trường này đều giảm 1 USD/kg so với năm ngoái. Tại Anh giảm từ 12 USD xuống 11 USD, tại Đức giảm từ 10,8 USD xuống 9,8 USD, tại Hà Lan giảm từ 11 USD xuống 9,57 USD/kg. Tuy nhiên, so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn 15-20%.
 
VASEP dự báo xuất khẩu trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi. Về dài hạn, nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, cũng như áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm sang thị trường này có cơ hội gia tăng từ năm 2020.
 
Chia sẻ tại một hội thảo thuộc khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2019 vào cuối tháng 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định: “Hiện nay, tôm Việt có GSP, sắp tới EVFTA được thông qua thì ưu thế càng vượt trội”.
 
Cụ thể, tôm chế biến của Việt Nam được hưởng thuế GSP là 7% trong khi các đối thủ phải chịu mức thuế cao từ khoảng 10-20%. Còn với EVFTA, lộ trình xóa thuế với tôm là 7 năm. Ông Lực cho biết khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ có hiệu lực thêm 2 năm, sau đó sẽ được thay thế bằng các điều khoản trong FTA. Vì vậy, trong những năm đầu tiên, doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa thuế GSP hoặc thuế theo FTA để xuất khẩu.
 
“Trong năm đầu tiên thực hiện EVFTA, nếu thuế GSP thấp hơn mức thuế của FTA, doanh nghiệp có thể lựa chọn xuất theo GSP”, ông Lực nói.
 
Giá tôm Việt nhập khẩu vào Mỹ vẫn cao hơn đối thủ
 
Sau khi tăng liên tiếp 4 tháng trước đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 giảm 18% đạt 64,7 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu đi các thị trường.
 
Tại Mỹ, đối thủ lớn hiện nay của tôm Việt là Ấn Độ với thị phần 38% và Indonesia với thị phần 19%. Cả 2 nước này có lợi thế là không bị áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ tháng 8 cũng tuyên bố thuế chống bán phá giá đối với 31 doanh nghiệp tôm Việt là 0% trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13.
 
So với các nguồn cung khác đến từ châu Á và Mỹ Latinh cho Mỹ, giá tôm Việt vẫn cao nhất. Giá trung bình tôm Ấn Độ bán vào Mỹ giảm từ 10 USD xuống 8,6 USD/kg. Trong khi đó, giá tôm Việt Nam giảm từ 12 USD xuống 11 USD/kg, với thị phần giảm từ 11% xuống còn 8,3%.

 
Nguồn số liệu: VASEP. 
 
Tuy nhiên, nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam cải thiện hơn từ tháng 5 đến tháng 8 do tồn kho tại nước này giảm. Đồng thời, Mỹ cũng đang giảm mua từ Ấn Độ, Thái Lan, đặc biệt từ Trung Quốc.
 
Ông Hồ Quốc Lực lưu ý không thể xuất khẩu ồ ạt sang Mỹ, mà nên duy trì ở mức độ vừa phải. “Cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ không quá lớn với tốc độ phát triển của ngành. Nếu không, rủi ro về bị áp thuế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ chính phủ Mỹ hoặc từ nguyên đơn”. Ông Lực cũng cho biết FDA đang tăng tần suất kiểm tra tôm Việt trong những tháng gần đây.
 
Tại Nhật Bản, khối lượng xuất khẩu vẫn ổn định và nhu cầu của thị trường không tăng. Nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm gần 2% là giá nhập khẩu trung bình giảm từ 12 USD xuống 11 USD/kg. Trong khi đó, giá tôm từ Thái Lan, Indonesia ổn định ở 11 USD/kg, giá tôm Ấn Độ giảm nhẹ xuống 9,3 USD/kg.
 
Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP cho biết xuất khẩu tôm những tháng đầu năm bị ảnh hưởng do Trung Quốc siết chặt thương mại đường biên mậu và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đồng thời tăng mua từ Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, kể từ tháng 5, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc cao hơn, doanh nghiệp Việt bắt kịp yêu cầu thị trường và có sự điều chỉnh tốt hơn nên xuất khẩu tăng trở lại. 
 
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.