Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy trong năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.
Việt Nam tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 4 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều.
Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả)...
Bộ đánh giá năm 2019 là một năm nhiều khó khăn, thách thức bởi biến đổi khí hậu; khủng hoảng kinh tế toàn cầu; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhiều cuộc chiến thương mại khác leo thang; dịch tả lợn Châu Phi gây nhiều thiệt hại nặng nề.
Trong năm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi EU, Mỹ.
Ở lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%. Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Năm 2020, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD, tăng nhẹ 700 triệu USD so với năm 2019.
Lâm Tùng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.