Năm 2018, chứng khoán Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển thị trường đến năm 2020. Vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 72% GDP, sớm hơn 2-3 năm so với chỉ tiêu.
Chia sẻ tại với báo chí bên lề buổi đánh cồng đầu xuân Kỷ Hợi, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận định những kết quả đạt được của thị trường cho thấy tinh thần quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của chứng khoán Việt Nam, làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế.
Người đứng đầu HNX cho biết, tổng quy mô thị trường chứng khoán, tính cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tương đương 112% GDP, trong khi kênh dư nợ tín dụng hiện nay ở mức 137% GDP. Con số này cho thấy thị trường chứng khoán đã trở thành một kênh quan trọng trong việc dẫn vốn vào nền kinh tế.
Năm 2019, Sở HNX và các thành viên thị trường sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả năm qua và thực hiện chính sách mới. Bên cạnh việc duy trì phát triển thị trường cổ phiếu, Sở sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, qua đó giúp hệ thống ngân hàng lành mạnh hóa hoạt động tín dụng. Các hoạt động vay dài hạn với rủi ro kỳ hạn sẽ chuyển sang hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 163 mà Chính phủ vừa ban hành sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển thị trường này.
Mặt khác, Sở cũng sẽ kiên định trong việc phát triển thị trường phái sinh, đây là mảng rất quan trọng giúp hỗ trợ chứng khoán Việt Nam trong năm 2018. Mục tiêu năm tới sẽ tiếp tục phát triển thị trường phái sinh ổn định lành mạnh hơn, đa dạng sản phẩm đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Long cũng nêu ra 3 điểm trọng tâm tạo ra bước tiến của thị trường trong tương lai. Thứ nhất là Luật chứng khoán sửa đổi. Bộ luật mới sẽ duy trì giải pháp hiệu quả của luật hiện hành, đồng thời gia cố kỷ luật thị trường, hướng tới nâng cao tính nghiêm minh, minh bạch hơn. Luật cũng sẽ không bỏ qua cơ hội huy động vốn cho thị trường và doanh nghiệp bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm mới và nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Thứ hai là tái cấu trúc hình thành một Sở GDCK Việt Nam duy nhất, nhằm củng cố lòng tin với nhà đầu tư nước ngoài, tiết giảm chi phí xã hội.
Thứ ba là hạ tầng công nghệ và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Sắp tới, hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ được vận hành cho toàn bộ thị trường bao gồm cả các sở giao dịch và trung tâm lưu ký, tạo thuận lợi cho việc giao dịch trên thị trường.
Trước đó, ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT Sở GDCK TP HCM (HoSE) từng cho biết, hệ thống quản lý giao dịch thị trường mới dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8. Hệ thống mới này sẽ mở ra cơ hội cung cấp thêm nhiều sản phẩm trên thị trường, đó là những dịch vụ mà công ty chứng khoán sẽ triển khai và nhà đầu tư sẽ là người được hưởng lợi.
Theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc trước đây, mỗi khi thay đổi “core” hệ thống, thông thường khối lượng giao dịch trên thị trường sẽ tăng gấp đôi. Ông Trà hy vọng sự chuyển đổi này sẽ tạo một cú hích cho năm 2019, mở ra cả thách thức và cơ hội cho các thành viên trên thị trường.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.