Tháng 1, xuất khẩu thủy sản ước đạt 644 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra và tôm đồng loạt giảm.
Bộ Nông nghiệp ước tính xuất khẩu cá tra giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 165 triệu USD. Tương tự, xuất khẩu tôm các loại cũng ước giảm 2,2%, đạt 260 triệu USD.
Trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chững ở mức 29.000 – 29.500 đồng/kg đối với cá tra loại I trong tháng 1, do thị trường khá trầm lắng. Nhu cầu thu mua nguyên liệu khá thấp, các công ty bắt đầu giảm và ngưng thu mua cá nguyên liệu để tập trung giao nốt các đơn hàng trước Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp cho hay.
Sau Tết, trong tuần tính đến ngày 14/2, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm với giá tại tỉnh An Giang giảm 900 - 1.000 đồng/kg so với tuần trước đó.
Ngược lại, thị trường tôm trong tháng đầu năm có xu hướng tăng giá đối với tôm sống do nhu cầu của người tiêu dùng trong nước tăng mạnh vào dịp Tết. Ngược lại, giá tôm thẻ ướp đá giảm nhẹ. Đến tuần kết thúc vào ngày 14/2, giá bắt đầu ổn định.
Năm 2019, cá tra và tôm vẫn được xác định là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 2,3 tỷ USD và 4,2 tỷ USD. Ngành thủy sản nói chung đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD.
Nhiều thị trường tiềm năng
Đối với mặt hàng cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đánh giá cao ASEAN với dự đoán nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường này, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Philippines và Singapore tiếp tục tăng trưởng ổn định và tăng trưởng dương. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và EU.
Năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 202,6 triệu USD, tăng 41,5% so với năm trước đó. Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất là Thái Lan với mức tăng trưởng đạt 48,8%; Singapore (20,7%) và Philippines (32,1%).
Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, Indonesia cũng đang là nước “nhen nhóm” ý định gia tăng sản xuất, mở rộng quy mô nuôi cá tra để nhắm tới thị trường Trung Đông và một số thị trường trong khu vực ASEAN do nhận thấy nhu cầu khá lớn tại hai khu vực này. Vì vậy, áp lực cạnh tranh với cá tra Việt Nam ngày càng lớn.
Đối với mặt hàng tôm, Hiệp định CPTPP sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho tôm Việt Nam nhưng theo đánh giá của VASEP, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là hai thị trường tiềm năng, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 2 con số so với năm 2018.
Năm 2018, Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản nhờ những lợi thế so với các nguồn cung khác trên thị trường Nhật Bản.
Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất về thuế quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Đối với AJCEP, ngay sau khi có hiệu lực năm 2009, các sản phẩm tôm đã được hưởng thuế suất 0%.
Mới đây, CPTPP cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1 nên tôm Việt Nam xuất đi Nhật Bản sẽ được hưởng lợi về thuế quan.
Trong khi đó, Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 58% so với các đối thủ khác trong năm 2018. Với nhu cầu ổn định, giá xuất khẩu cao cũng như ưu đãi thuế quan thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc – Việt Nam, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này trong năm 2019, VASEP cho biết.
Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).
VASEP dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 500 triệu USD các sản phẩm tôm sang Hàn Quốc trong năm 2019, tăng 29,5% so với năm ngoái.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.