Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thị trường thép toàn cầu khoảng 2 tháng đầu tiên của năm 2019 ảm đạm với nhu cầu sử dụng thép của một số ngành suy yếu.
Đối với thị trường nguyên liệu sản xuất thép, giá quặng sắt 62% FE ngày 12/2 giao dịch ở 87 – 88 USD/tấn (CFR) tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng khoảng 12 – 15 USD/tấn so với đầu tháng 1.
Cùng ngày, giá thép phế liệu HMS ½ 80:20 nhập khẩu về cảng Đông Á cũng tăng mức tương tự lên 325 - 330 USD/tấn (CFR). So với các thị trường khác, giá thép phế khu vực Đông Á đang có chiều hướng ổn định so với thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, VSA cho biết.
Giá phôi thép tiếp tục tăng 10 USD so với đầu tháng 1 lên 468 – 472 USD/tấn vào ngày 12/2. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018, giá vẫn thấp hơn khoảng 40 USD/tấn.
Trong khi đó, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 12/2 vào khoảng 177 USD/tấn (FOB), không đổi so với đầu năm.
Kết quả, giá thép thành phẩm tăng, với thép cuộn cán nóng nhập về cảng Đông Á ngày 12/2 đạt 520 USD/tấn (CFR), tăng gần 40 USD/tấn so với đầu năm.
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam.
Giá nguyên liệu tăng nhưng các doanh nghiệp thép vẫn tăng cường sản xuất, đặc biệt là ống thép, tôn mạ và thép cán nguội. Theo số liệu của VSA, sản lượng thép các loại đạt hơn 2,1 triệu tấn trong tháng 1, tăng 12% so với tháng cuối năm 2018 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn vào bối cảnh giá, cân bằng cung – cầu hiện nay, VSA cho rằng khó có thể đưa ra kết luận về triển vọng của thị trường thép năm 2019.
Giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc
VSA cho biết trong năm 2018, nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc có xu hướng giảm, đạt gần 6,27 triệu tấn và giảm 10% về lượng. Tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này theo đó giảm về 46,3% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu.
Xu hướng giảm nhập thép Trung Quốc của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được cho là kết quả của đòn thuế 25% đối với thép mà Mỹ ban hành hồi tháng 3/2018. Mặt khác, việc Mỹ và Liên minh châu Âu liên tục điều tra hành vi thép Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ nước khác để xuất khẩu vào hai thị trường này khiến các doanh nghiệp cũng e ngại bị vạ lây khi nhập khẩu thép từ Bắc Kinh.
Tình hình nhập khẩu thép các loại của Việt Nam năm 2018. Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam.
Nhìn chung, trong cả năm 2018, nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 20 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 13 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% về lượng, nhưng tăng 24% về giá trị nhập khẩu so với năm 2017.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt hơn 7,8 triệu tấn trong năm ngoái, tăng 40% về lượng và thu về hơn 5,7 tỷ USD. Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu thép thành phẩm hơn 3,5 triệu tấn thép, chiếm tới hơn 56% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018.
Tình hình xuất khẩu thép các loại của Việt Nam năm 2018. Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.