Cổ phiếu thép, "ngôi sao" trong danh mục của Tundra
Tài sản ròng (NAV) của Tundra Vietnam Fund D theo USD tăng 7,1% trong tháng 2 và 8,6% từ đầu năm. FPT vẫn là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ chiếm 8,9% NAV. Theo sau là Masan chiếm 7,5% NAV và Đất Xanh chiếm 6,2% NAV.
Cổ phiếu
HPG của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) đã trở lại top 10 và chiếm 3,8% NAV, tương đương khoản đầu tư vào VNDirect.
Nguồn: Tundra Vietnam Fund.
Riêng tháng 2, thị giá
HPG tăng hơn 21% và từng đạt đỉnh ở 34.800 đồng/cp, trước khi giảm từ đầu tháng 3. Tính đến phiên 11/3, cổ phiếu
HPG có giá 33.800 đồng, tăng 10% so với đầu năm.
“Ngôi sao” trong danh mục của Tundra tháng qua là nhóm cổ phiếu thép. Dẫn đầu là HSG của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) tăng gần 32%. Theo sau là cổ phiếu của Thép Nam Kim và Hòa Phát. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LDG dẫn đầu đà giảm với 6,2%, mất vị trí trong top 10.
Nguồn: Tundra Vietnam Fund
Xét theo cơ cấu ngành, tài chính vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chính trong danh mục cổ phiếu của Tundra với 22%NAV, theo sau là bất động sản chiếm 19% NAV và hàng tiêu dùng chiếm 14%. Tỷ trọng mảng năng lượng giảm từ 7% vào cuối tháng 1 xuống còn 5%.
Nguồn: Tundra Vietnam Fund.
Tundra nhận định sau Tết Nguyên đán, nhà đầu tư nội địa đã trở lại thị trường chứng khoán, trong đó có những cá nhân từng giảm sở hữu cổ phiếu trước đó. Trong tháng 2, quỹ đã thấy sự cải thiện về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân đạt 208 triệu USD mỗi phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng 91 triệu USD, chủ yếu đến từ dòng vốn ETF.
Danh mục cổ phiếu của Tundra đang được“định giá hợp lý” ở mức P/E 12 lần, thấp hơn so với P/E thị trường 21 lần. Quỹ tin rằng thị trường có thể đảo chiều khi sức nóng của cổ phiếu bluechip và dòng tiền trở lại bình thường. Quỹ không mua vào cổ phiếu trong tháng 2 và giảm dần tỷ trọng tài sản ở lĩnh vực năng lượng.
Kinh tế vĩ mô tháng 2 với những biến động
Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới nhờ cuộc hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim. Dù không có bước đột phá, tầm quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị đã được nâng cao.
Căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có dấu hiệu lắng xuống. Theo Tundra, không có điều gì chắc chắn cho đến khi đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, nhiều khả năng, hàng hóa Trung Quốc sẽ không bị áp thêm 10% thuế. Và Trung Quốc cũng sẵn sàng giảm thuế đối với các hàng hóa của Mỹ để đáp lại.
Bức tranh vĩ mô Việt Nam trong tháng 2 có nhiều biến động. Tuy nhiên, các con số về thương mại quốc tế gây thất vọng. Kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 7,5% khiến Việt Nam thâm hụt 84 triệu USD.
Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu chậm lại là sự suy giảm của phân khúc điện thoại di động trên toàn cầu, trong đó Việt Nam chiếm 25% giá trị xuất khẩu (chủ yếu từ Samsung).
Chỉ số PMI xuống thấp nhất 3 năm ở mức 51,2, cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là do giá trị các đơn hàng xuất khẩu thấp. Tổng vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm tăng 150% so với cùng kỳ 2018, đạt 8,5 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân tăng 10% ở mức 2,6 tỷ USD.
Trước những bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp lớn đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để hưởng lợi từ thuế quan thấp hơn và lao động giá rẻ.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.