Ngành đường thế giới đang đón nhận những hỗ trợ tích cực
Xét riêng trong khối ASEAN, hiện có 4 quốc gia sản xuất mía đường trọng điểm là Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong đó quy mô ngành đường của Thái Lan là lớn nhất, không chỉ trong khu vực mà còn mang tầm quốc tế. Vì vậy có thể nói khi ATIGA có hiệu lực thì Thái Lan chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các doanh nghiệp đường Việt Nam nói chung và
SBT nói riêng.
Hội nhập ATIGA - SBT sẽ cạnh tranh với đường Thái như thế nào?
Trong những năm qua, chênh lệch giữa giá đường Thái Lan và Việt Nam luôn là một áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa và khi ATIGA chính thức có hiệu lực thì sức ép này lại càng gia tăng. Tuy vậy, việc Chính phủ Thái Lan quyết định cắt giảm 500.000 tấn đường thô xuất khẩu đồng thời xem xét khả năng tăng sử dụng mía để sản xuất Ethanol, do giá củ sắn tăng gấp đôi khiến việc sản xuất Ethanol từ củ sắn trở nên ít cạnh tranh hơn. Điều này giúp cho khoảng cách chênh lệch giá giữa đường Việt Nam và Thái Lan dần được thu hẹp.
SBT, với vị thế là doanh nghiệp đường số 1 Việt Nam, đã rất chủ động cho việc hội nhập. Nâng cao năng suất được xem là điều kiện tiên quyết để cạnh tranh sòng phẳng với đường Thái.
Cụ thể, niên độ 2018-2019, năng suất mía bình quân của
SBT sẽ được cải thiện ước đạt 69 tấn/ha, tăng 10% so với mức 63 tấn/ha của niên độ trước. Để mang lại hiệu quả cao,
SBT sẽ tăng cường kiểm soát và tối thiểu hóa chi phí. Cụ thể, chi phí quản lý chung niên độ 2018-2019 của
SBT dự kiến sẽ giảm 10% so với cùng kỳ.
So với Thái Lan, có thể nhìn nhận một cách công bằng, năng suất đường bình quân/ha mía của
SBT hoàn toàn tương đương với một trong những ông lớn của mía đường thế giới, trong khi chi phí bình quân của quốc gia này lại đang vượt
SBT.
Năng suất đường bình quân/ha mía của nông dân khu vực Tây Ninh, vùng nguyên liệu chính của
SBT ở mức 6,87 tấn/ha (căn cứ vào kết quả ép mía vụ 2017-2018), không chênh lệch lớn hay có thể nói là hoàn toàn xấp xỉ với năng suất đường bình quân của Thái Lan ở mức 6,91 tấn/ha. Nếu xét riêng năng suất mía vụ ép 2017-2018, mỗi ha mía tại vùng nguyên liệu của
SBT tại Tây Ninh có năng suất lên tới 74 tấn/ha cao hơn nhiều so với mức 65 tấn/ha của Thái Lan.
Tuy vậy, do chất lượng mía vẫn chưa cao dẫn đến năng suất đường chỉ tương đương Thái Lan.
SBT đã và đang tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ và sản xuất, cũng như cung cấp những giống mía phù hợp nhằm nâng cao chất lượng mía. Xét về phương diện chi phí, trong vụ 2017-2018, nông dân Tây Ninh đã đầu tư 53,3 triệu đồng cho mỗi ha mía. Trong khi đó, chi phí mía của Thái Lan ở mức 55,5 triệu/ha, do chi phí đất và chi phí chuẩn bị giống mía của họ cao hơn.
Tuy nhiên, trên phương diện nhà máy thì
SBT đang có sự chênh lệch so với Thái Lan. Trong vụ 2017-2018, được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, các doanh nghiệp đường Thái ưu thế hơn khi chỉ mua mía với giá khoảng 780 Bath Thái/tấn mía 10CCS, tương đương với mức giá 583.000 đồng/tấn mía. Như vậy, nếu tính cả chi phí vận chuyển, chi phí mía, Thái Lan phải chi trả ở mức chưa đến 830.000 đồng/tấn.
Trong khi đó tại khu vực Tây Ninh, với mức giá vụ 2017-2018 là 900.000 đồng/tấn mía 10CCS thì nhà máy đang chi trả 967.000 đồng/tấn mía về đến nhà máy gồm chi phí vận chuyển.
SBT với trách nhiệm đồng hành cùng nông dân, vẫn nỗ lực giữ giá mía ở mức tốt cho họ, đồng thời tăng cường hỗ trợ những giống mía có chất lượng tốt, phù hợp với khí hậu, đất đai từng khu vực.
Như vậy, có thể thấy nếu xét về mặt năng suất và chi phí,
SBT hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng cùng Thái Lan. Còn xét về khía cạnh về giá, do có sự hỗ trợ từ Chính phủ nên các doanh nghiệp đường Thái đang có giá bán đường thấp hơn. Tuy vậy, khi ATIGA có hiệu lực, đường Thái nhập vào Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế suất nhập khẩu 5%, cộng thêm chi phí vận chuyển, kho bãi sẽ làm cho lợi thế giá bán của đường Thái giảm đi đáng kể.
Vì vậy, nếu lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam nhỏ sẽ không đủ để các doanh nghiệp Thái Lan bù đắp chi phí. Ngược lại nếu nhập vào một lượng đường lớn thì bài toán về đầu ra tiêu thụ lại là một trở ngại lớn cho những doanh nghiệp này vì 40% thị phần đường tại Việt Nam đang được kiểm soát bởi
SBT và tiếp tục gia tăng mỗi niên độ.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.