Điều chỉnh hệ số rủi ro với một số khoản phải đòi là một trong những điểm mới trong Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành.
Dự thảo này xác định hệ số rủi ro 50% với các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong 3 điều kiện.
Đầu tiên là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN, quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thứ hai là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Thứ ba là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.
Các khoản phải đòi của cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên thì hệ số rủi ro là 150%.
NHNN cho biết việc điều chỉnh này xuất phát từ thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường BĐS nhằm đảm bảo thị trường phát triển hiệu quả, bền vững cũng như an toàn hệ thống ngân hàng. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có đề xuất liên quan đến kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Cụ thể, Bộ này đề xuất thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án BĐS cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án...
Cũng theo NHNN, quy định này thể hiện thông điệp kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến BĐS để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu ngân hàng, chi nhánh NHNN cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực BĐS có tiềm ẩn rủi ro.
Do đó, ngân hàng, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố cần kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến BĐS ở phân khúc cao cấp. Theo NHNN, quy định này ít ảnh hưởng đến các ngân hàng, chi nhánh NHNN có năng lực tài chính tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao.
Việc tăng hệ số rủi ro cũng là một cách để tạo động lực cho các ngân hàng, chi nhánh NHNN sớm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuân thủ Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2020. Các ngân hàng, chi nhánh NHNN cũng thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh BĐS. Rủi ro khi thị trường BĐS có biến động mạnh theo chiều hướng xấu cũng sẽ được giảm thiểu.
Quy định như trên cũng giúp thị trường BĐS hoạt động lành mạnh, ổn định hơn và không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án của Chính phủ, nhà ở có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng/căn cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi).
Hiện nay, theo quy định, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay đều có hệ số rủi ro là 50%.
Trâm Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.