Xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 617,6 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP).
Hiệp hội cho biết một trong những nguyên nhân chính là tồn kho tại các thị trường tiêu thụ vẫn còn, trong khi nguồn cung tại các nước xuất khẩu tiếp tục tăng. Mặt khác, giá chào bán của Việt Nam đang ở mức cao, kém cạnh tranh so với các nước đối thủ, do giá thành sản xuất và yếu tố đầu vào tăng.
Hai thị trường tiêu thụ khả quan của ngành tôm 3 tháng đầu năm là Nhật Bản và Canada nhờ CPTPP có hiệu lực từ giữa tháng 1, mang lại những ưu đãi về thuế suất cũng như tác động tích cực lên tâm lý của các nhà nhập khẩu.
Nhật Bản hiện là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 của tôm Việt, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 121,7 triệu USD, tăng 1,4%. Xuất khẩu sang Canada cũng tăng 4,6% và đạt trên 29 triệu USD. VASEP cho biết CPTPP có thể là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác Canada trong năm 2019, vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia hiệp định.
Liên minh châu Âu giảm mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam, đạt hơn 130 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường tiêu thụ tôm Việt lớn nhất khối là Anh, Hà Lan và Đức đồng loạt giảm mua, trong đó, xuất khẩu sang Anh giảm do sự kiện Brexit chưa có kết quả cuối cùng, gây ảnh hưởng tới thương mại.
Tương tự, tiêu thụ tôm Việt tại Mỹ cũng chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm do tồn kho và nguồn cung từ các đối thủ tăng. Đến hết tháng 3 năm nay, xuất khẩu sang Mỹ đạt 97,7 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ ba của Việt Nam.
Tại khu vực châu Á, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc cũng lần lượt giảm 14,8% và 24,9% trong 3 tháng đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm do vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador và chính sách siết hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch của Trung Quốc.
Biểu đồ: Phan Vũ.
Theo dự báo của hiệp hội, dù có lợi thế về CPTPP và thuế chống bán phá giá sơ bộ tại Mỹ thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 4 vẫn chưa thể tăng, nhưng tốc độ giảm sẽ thấp hơn.
Đầu tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 là 0% đối với 31 doanh nghiệp. Theo VASEP, dù chưa phải là kết quả chính thức, đây vẫn được xem là nền tảng để tôm Việt giành được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng vào tháng 9. Hiệp hội kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ phục hồi trong các tháng tới.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.